.
Từ mô hình “Nhà hàng xanh”

Hướng tới xây dựng nhiều mô hình xanh

.

“Nếu đề án được triển khai đồng bộ, không những tạo động lực cho hệ thống nhà hàng trên địa bàn thành phố có được hướng kinh doanh thân thiện với môi trường, mà còn góp phần quan trọng trong việc triển khai xây dựng đề án Đà Nẵng - Thành phố môi trường vào năm 2020” - Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh đã nhấn mạnh tại cuộc họp góp ý xây dựng đề án “Nhà hàng xanh” do UBND thành phố tổ chức vào đầu tháng 11 vừa qua.

Nhà hàng For You được chọn thí điểm xây dựng mô hình “Nhà hàng xanh”.TRONG ẢNH: Khách hàng đến thưởng thức các món ăn tại nhà hàng For You.

Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) Đà Nẵng cho biết: Việc xây dựng mô hình “Nhà hàng xanh” không nhằm ngoài mục đích vì sức khỏe của thực khách khi đến với Đà Nẵng, đồng thời hướng tới xây dựng hình ảnh Đà Nẵng “Xanh - sạch - đẹp” theo đề án Đà Nẵng - Thành phố môi trường vào năm 2020. Theo đó, các nhà hàng muốn được cấp giấy chứng nhận của thành phố về “Nhà hàng xanh” phải hội tụ đủ 7 tiêu chí như: môi trường, tiết kiệm nước và điện, cây xanh, an toàn thực phẩm, không gian nhà hàng, sản phẩm giấy ăn và giấy vệ sinh, nhân viên phục vụ.

Theo khảo sát của Sở TN-MT Đà Nẵng, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 1.000 nhà hàng lớn, nhỏ đang hoạt động. Trong đó, nhiều nhà hàng có diện tích mặt bằng trên 500m2, lượng nước sử dụng trung bình hằng ngày từ 15-20m3 và chủ yếu xả thẳng vào hệ thống thu gom của thành phố mà chưa qua hệ thống xử lý.

Một số nhà hàng ven biển sử dụng điện chiếu sáng quá mức, gây ô nhiễm ánh sáng và lãng phí điện. Ông Điểu cho rằng, nếu mô hình “Nhà hàng xanh” được xây dựng đồng bộ sẽ khắc phục được tất cả những vấn đề trên, và trước mắt Sở sẽ chọn thí điểm xây dựng 3 nhà hàng, bao gồm nhà hàng For You, Xuân Thiều và Ngọc Sương.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các nhà hàng hoạt động có quy mô lớn đều cho rằng, việc xây dựng đề án “Nhà hàng xanh” rất cần thiết trong thời điểm này, bởi Đà Nẵng đang hướng tới xây dựng Thành phố môi trường và đẩy mạnh phát triển du lịch. Hiện tại, băn khoăn nhất đối với các nhà hàng là khó có thể đạt được 100% tiêu chí đề ra.

Theo ông Phạm Lê Vân Long - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Bình Giang - đơn vị chủ quản hệ thống nhà hàng For You: Tiêu chí xử lý môi trường rất khó đánh giá. Vì vậy khi tiến hành bình xét “Nhà hành xanh”, ngành chức năng cần đến lấy mẫu nước định kỳ ở các nhà hàng để kiểm tra độ an toàn. Ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc điều hành nhà hàng Ngọc Sương cũng cho rằng:

Đề án xây dựng “Nhà hàng xanh” không có nghĩa là nhà hàng phải có nhiều cây xanh, mà chữ “xanh” ở đây rất rộng lớn, bao gồm đủ 7 tiêu chí mà Sở TN-MT đưa ra.  Đối với các nhà hàng, việc thoát nước rất quan trọng, làm sao để không ảnh hưởng đến môi trường chung quanh, không vì lợi ích kinh tế mà gây nguy hại đến môi trường. “Là một trong 3 nhà hàng được chọn thí điểm xây dựng mô hình “Nhà hàng xanh” trong thời gian tới, hiện chúng tôi đã áp dụng việc lọc chất thải rắn, những thực phẩm dư thừa được lọc kỹ, cho vào túi ni-lông và làm thức ăn cho heo”, ông Khánh nói.

Cũng liên quan đến việc xây dựng “Nhà hàng xanh”, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng là bài toán nan giải. Theo ông Khánh, có những ngày nhà hàng Ngọc Sương phải loại bỏ hơn một nửa số rau do đại lý mang đến. Hiện tại, không chỉ nhà hàng Ngọc Sương mà các nhà hàng khác cũng không ký hợp đồng được với những nơi cung cấp thực phẩm ổn định và hoàn toàn bảo đảm về chất lượng.

Việc loại bỏ thực phẩm kém chất lượng đã ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của các nhà hàng, nhưng không còn cách nào khác. Hầu hết các nhà hàng được chọn thí điểm xây dựng “Nhà hàng xanh” đều  thừa nhận, để đạt được tất cả các tiêu chí về “Nhà hàng xanh” trong thời điểm này là quá khó, tuy nhiên các nhà hàng sẽ dựa vào những tiêu chí trên để từng bước khắc phục. Tuy vậy, họ cũng không giấu niềm vui khi ngành chức năng quan tâm đến các nhà hàng trong sự phát triển chung của thành phố.

Ông Trần Mạnh Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT Đà Nẵng) cho biết: Việc xây dựng mô hình “Nhà hàng xanh” xuất phát từ ý tưởng của Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến và Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng.

Theo đó, ngay từ đầu năm 2009, thành phố đã chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp với các ngành chức năng xây dựng đề án, tiêu chí để bình chọn và cấp giấy chứng nhận cho các nhà hàng đạt chuẩn “Nhà hàng xanh” với hiệu lực 2 năm. Hiện tại, Sở TN-MT đã thực hiện xong công tác điều tra, khảo sát đối với các nhà hàng đáp ứng gần đủ các tiêu chí; việc xây dựng dự thảo quy chế bình chọn đã hoàn tất. Và khi đề án này thành công, Sở TN-MT sẽ tiếp tục đề nghị thành phố xây dựng mô hình Bệnh viện xanh, Trường học xanh…

Xét theo các tiêu chí trong đề án, thực tế trên địa bàn thành phố còn có nhiều nhà hàng khác được người dân Đà Nẵng và du khách ưa chuộng bởi có không gian đẹp, thức ăn ngon, phục vụ chu đáo, nhưng do vị trí nằm ngay trung tâm thành phố, thiếu không gian cây xanh nên có thể phải đứng ngoài cuộc.

Cũng trong cuộc họp vào đầu tháng 11, sau khi nghe các ý kiến đóng góp từ các ngành chức năng, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh đã yêu cầu sửa đổi tên gọi tiêu chí cây xanh thành không gian xanh, để có cơ hội cho nhiều nhà hàng cùng tham gia. Hơn nữa, khi mô hình “Nhà hàng xanh” trở nên phổ biến sẽ trở thành chuẩn để các nhà hàng khác hướng tới, nhất là trong việc xử lý môi trường và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.