.

Các chợ chưa dám dự trữ hàng Tết

.

Phục vụ cho mùa làm ăn cuối năm, nhiều hộ kinh doanh tại các chợ đang chuẩn bị nguồn hàng cho Tết Canh Dần. Tuy nhiên theo các tiểu thương, mức độ tiêu thụ hàng hóa năm nay rất khó đoán vì còn tùy thuộc vào cung – cầu của thị trường trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn.

Chưa trữ hàng nhiều

Các mặt hàng bánh kẹo phục vụ Tết đã tràn ngập các quầy kinh doanh.

Liên tục từ hơn 2 tháng nay, nhiều mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh tại các chợ là quần áo, giày dép, túi xách, đồ trang sức thời trang…, trong đó hàng mùa đông bán nhanh hơn cả. Càng gần đến dịp lễ Noel và Tết Dương lịch, hàng hóa về chợ nhiều và phong phú hơn so với các tháng trước. Xuất phát từ nhu cầu mua sắm của người dân, tiểu thương các chợ nhập hàng về thường xuyên. Chị Lê Thị Thùy Trang (kinh doanh hàng quần áo ở chợ Hàn) cho biết:
 
“Quần áo liên tục ra mẫu mã mới, bán thì chạy nhưng không dám lấy nhiều, vì sợ năm nay lạnh ít. Giờ mà ôm quá nhiều đồ mùa đông, lỡ từ đây tới Tết trời nắng, coi như lỗ vốn”. Một số tiểu thương ngành hàng lương thực ở chợ Hòa Khánh nhận định: giá đường, đậu năm nay đang tăng cao, với sức tiêu thụ chậm, nếu trữ hàng sẽ không có lời.

Hai dãy hàng thực phẩm tại đường nội bộ chợ Cồn mặc dù hàng đã được trưng bày khá nhiều, bắt mắt, song mới chỉ có khách hàng mua lẻ. Hầu hết các hộ kinh doanh đã tăng khoảng 30% lượng hàng dự trữ. Chị Hoa (quầy hàng khô chợ Cồn) nói: “Bây giờ các cửa hàng, siêu thị nhiều, chị em chúng tôi cũng phải nhìn trước ngó sau mới dám lấy hàng về bán. Mấy bữa nay, các cơ sở, công ty sản xuất dầu ăn, nước mắm, bột ngọt, rồi mì… tới chào hàng quá trời, nhưng mới chỉ lấy có vài loại. Cứ bán tới đâu, lấy tới đó”.

Giá cả khó đoán

Thông thường, giá cả hàng hóa tại các chợ lên-xuống phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. Hễ sức mua tăng ở nhóm hàng, ngành hàng nào không có sự dự trữ hay khan hiếm, sẽ bị đẩy giá lên cao. Nhằm giúp thị trường bình ổn, hằng năm Sở Công thương đều có kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ Tết.
 
Theo đó, UBND thành phố sẽ hỗ trợ kinh phí cho một số DN chuẩn bị hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết để bán với giá bình ổn. Đối với các chợ lớn như chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Mới, chợ Đống Đa, chợ Hòa Khánh, chợ Đầu mối Hòa Cường… sẽ có khoảng trên 3.000 hộ kinh doanh tham gia bán hàng Tết. Như vậy, riêng về lượng hàng hóa tại các chợ khá dồi dào, tuy nhiên những ngày cuối năm, một số mặt hàng thường bị làm giá, thường tăng do khan hiếm và do phí vận chuyển, nhân công.

 Những năm trước, các chợ có chương trình “Đi chợ mua hàng bốc thăm trúng thưởng” đã thu hút khá đông người dân đến chợ. Song năm nay vì nhiều điều kiện, các chợ không triển khai, trong khi đó, Đà Nẵng sắp diễn ra Tháng bán hàng khuyến mãi trên toàn thành phố, với sự tham gia của các cửa hàng, siêu thị, nhà bán lẻ với hàng trăm chương trình giảm giá, tặng quà, khuyến mãi, nên tiểu thương các chợ không khỏi lo lắng đến việc cạnh tranh về giá.

Hiện nay, theo cam kết và thương lượng nhằm giữ uy tín, nhiều siêu thị đã không tăng giá bán nhiều mặt hàng. Chính điều này càng làm các tiểu thương khó tính toán trong việc “ôm hàng” về bán. Nhiều chị em kinh doanh trong chợ đang băn khoăn: “Buôn bán cả năm chỉ trông chờ vào thời điểm Tết, người buôn chúng tôi ai cũng muốn lấy thật nhiều hàng về bán, nhưng giá cả cứ thất thường như vậy thì không biết đâu mà lần”.

Giá cả trong các siêu thị bao giờ cũng khó đột biến, còn giá chợ thì luôn bị ảnh hưởng bởi nguồn cung và cả do tư thương tự làm giá khi mức tiêu thụ tăng đột biến. Tuy vậy, từ nay đến cận Tết Nguyên đán, với các biện pháp bình ổn thị trường của Nhà nước, chắc chắn sẽ tác động tích cực đến giá cả các mặt hàng thiết yếu tại các chợ.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.