.
CHỢ THỰC PHẨM CHO CÔNG NHÂN

Rẻ và... kém chất lượng

.

Chỉ cần 2.000 đồng để có được một mớ cá để kho, 5.000 đồng sẽ có một đĩa mực cơm xào thơm và cần khoảng hơn 10.000 đồng là được sở hữu một đùi gà to. Đó là những thực phẩm mà sau khi tan ca, trong khoảng chập choạng tối, những công nhân vội vàng mua vài thứ được bày bán ngay trong Khu công nghiệp về làm thức ăn. Rất nhiều trong số đó thuộc loại hàng ươn ình, rẻ mạt.

Hư, ươn, không dấu kiểm định

Mực ươn, cá ươn giá rẻ.


Chợ Thanh Vinh và mấy chợ cóc mọc ven đường trong Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh được người dân gọi chung là “Chợ công nhân”. Những ai quen với loại chợ này, khi nhắc đến chợ họ sẽ không ngần ngại đánh đồng với nơi bán “của rẻ, của ôi”.

Chợ công nhân bắt đầu sinh hoạt từ 3 giờ chiều đến 7 giờ tối, và thực sự xôm tụ vào khoảng 6 giờ tối. Đây là thời điểm công nhân ồ ạt trở về nhà, chuẩn bị bữa cơm chiều. Trước cổng một nhà máy, có đến vài chục người tụ tập buôn bán rau, trứng, thịt, tôm, cua, cá…; nói chung, không thiếu những món thiết yếu. Chỉ có điều, nhìn bằng mắt thường đủ thấy chúng không còn giữ độ tươi, ngon.

Hầu hết cá được bán trong chợ công nhân đều trơ những đôi mắt đỏ kè, da cá nhợt nhạt, thậm chí nát đầu, gãy đuôi. Chỉ có rô phi là loại cá sống duy nhất trong những chợ này. Mâm “mực cơm” bì bõm nước và đá lạnh, con nào con nấy lép xẹp đã chuyển sang màu trắng nhợt.

Đùi heo chỗ tím, chỗ đen, chỗ trắng trông phát sợ. Người bán cho rằng vì là heo cỏ nên mới có những vết đen như vậy. Đùi gà đông lạnh đã bắt đầu bã ra, trắng bệch. Sẽ là bỏ công nếu cố ý tìm mua đùi gà có đóng dấu kiểm dịch, bởi theo lời giải thích của chủ hàng: “Bỏ vô đông lạnh nên dấu bị phai hết rồi”.

So với thịt cá, hàng rau củ quả có phần ít “dễ sợ” hơn. Nhưng những thứ được “tuyển” về đây đã hư hỏng, được người bán tỉa bớt rồi lọc lại phần còn dùng được. Vì thế mới có chuyện cà-rốt không thể gọi là củ mà là “cục”. Trái cây được bày la liệt trên một lớp nilông và trải thẳng dưới lòng đường nhựa. Tất cả teo tóp, khô héo, xỉn màu, nhiều trái đã bị thối một phần. Mỗi chợ có khoảng 4-5 hàng trái cây và hàng nào cũng có “chất lượng” ngang nhau.

Giá rẻ… bật ngửa

Không ít bà nội trợ “méo mặt” vì giá hàng hóa thực phẩm ngày một tăng, thế nhưng, nếu chịu khó lướt qua “Chợ công nhân”, có thể họ sẽ có cái nhìn khác về giá cả thị trường. Không đâu bán thức ăn với giá bèo như nơi này, đó là lời khẳng định của một người bán hàng nước trong KCN. Bất kể mặt hàng tươi sống nào cũng rẻ hơn bên ngoài từ 2, 3 lần, thậm chí 5 lần. Nếu ở chợ bình thường, mực cơm ngon có giá dao động khoảng 100 nghìn đồng/kg, thì ở chợ công nhân, một kilôgam mực chỉ có mười mấy nghìn đồng. Thịt gà nạc chỉ có 30 nghìn đồng/kg, 35-40 nghìn đồng/nguyên một cái giò heo.

Một nữ công nhân nói: “Tôi có người quen nhờ mua giúp thức ăn nên không phải mua ở đây. Trời tối thấy cái chi mà lựa chọn đâu. Người ta không có đủ điều kiện phải đành ăn uống như vậy”. Theo nhiều công nhân khác, dù biết thực phẩm tại chợ Thanh Vinh và chợ cóc không bảo đảm chất lượng, nhưng được cái giá rẻ, hơn nữa, công nhân không có thời gian và phương tiện đi lại để ra đến tận chợ Hòa Khánh mua thức ăn.

Chất lượng ngoài tầm quản lý

Trái cây khô héo, teo tóp, xỉn màu được trải dưới lòng đường.


Ông Lê Văn Hường, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) thừa nhận: “Phường không đủ sức quản lý vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ Thanh Vinh và các chợ cóc. Phải có sự phối hợp giữa địa phương với cơ quan thú y và các ngành chức năng khác mới kiểm tra được vấn đề này.

Thu nhập của công nhân còn thấp nên chỉ có thể mua hàng giá rẻ. Vì thế, cũng có người lấy hàng tươi ngon nhưng sau khi bán không hết ở chợ lớn mới đem về đây hạ giá bán tiếp”. Cũng theo ông Hường, nhu cầu đi chợ ở nơi thuận tiện, đỡ mất thời gian và không cần có phương tiện đi lại là một thực tế của phần lớn công nhân. Vì thế, ngoài chợ Thanh Vinh, trước đây địa phương cũng có kiến nghị xây thêm chợ tại đoạn giáp ranh giữa khối phố Đa Phước 1, Đa Phước 2 để khi công nhân tan ca, trên đường về phòng trọ, tiện thể ghé vào mua thức ăn. Nhưng kiến nghị này đã không được chấp thuận.

Thực trạng các chợ cóc liên tục bị dẹp nhưng vẫn mọc lại và hoạt động sôi nổi đã cho thấy: “buộc” công nhân phải lặn lội đến chợ Thanh Vinh khi họ muốn ăn uống cho nhanh để còn kịp nghỉ ngơi lấy sức đi làm là khá bất hợp lý. Dù vậy, quan điểm chung trước sau vẫn là xóa bỏ chợ cóc và không xây thêm chợ thứ hai (ngoài chợ Thanh Vinh) trong khuôn viên KCN.
 
Ông Đàm Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết: “Qua phản ánh của phóng viên, chúng tôi sẽ cho tiến hành kiểm tra về chất lượng thực phẩm tại chợ. Dù là chợ tự phát hay không thì khi phát hiện sai phạm cũng sẽ bị xử lý. Đặc biệt, chủ trương của quận là phối hợp với Ban Quản lý KCN, Đồn Công an KCN và các đơn vị liên quan kiên quyết xóa bỏ các chợ cóc”.

Thu Hoa - Hằng Vang

;
.
.
.
.
.