Trước khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ông Ông Văn Thông ở thôn 4, xã Hòa Khương (Hòa Vang) là doanh nhân trong lĩnh vực công nghiệp. Năm 2006, đang ăn nên làm ra, ông quyết định bán hết xe cộ, đầu tư nuôi heo, gà, thả cá, trồng rừng. Với nguồn vốn 8 tỷ đồng cả xây dựng cơ sở hạ tầng và mua con giống, sau 3 năm, ông đã khẳng định hướng làm ăn này đem lại hiệu quả cao và bền vững.
Ông Ông Văn Thông tại trang trại nuôi gà của mình. |
. |
Theo ông Thông, đầu tư vào lĩnh vực này lo ngại nhất là dịch bệnh. Muốn khống chế dịch hiệu quả, cần đầu tư quy mô công nghiệp và nuôi theo quy trình an toàn sinh học. Chuồng trại xây dựng khép kín. Các dãy chuồng nuôi gà đều lắp đặt máy quạt gió công suất lớn, trong chuồng luôn bảo đảm nhiệt độ ổn định. Đồng thời, phải xây dựng các hầm biogas thể tích lớn, vừa là nơi xử lý môi trường, vừa cung cấp nhiên liệu chạy máy phát điện. Về thức ăn, không có cách nào tốt hơn là tự chế biến bằng nguyên liệu mình đảm nhiệm. Ông Thông đặc biệt chú trọng phòng ngừa dịch bệnh từ xa cho gia súc, gia cầm. Các quy định phòng chống dịch được duy trì nghiêm ngặt. Công nhân được đi học nghiệp vụ chăn nuôi, khoán nuôi theo từng khu vực, từng lứa tuổi gà. Ai cũng tận tụy với công việc được giao.
Nói về hiệu quả kinh tế, ông Thông cho biết: Trừ hết mọi chi phí, mỗi quả trứng lãi 150 đồng, mỗi con heo sau khi xuất chuồng lãi 100 nghìn đồng. Tính ra, mỗi ngày trang trại lãi 7-8 triệu đồng. Làm ăn có lãi, năm 2008, ông xây tặng hộ anh Nguyễn Ngọc Tuấn ở thôn Phước Sơn, xã Hòa Khương ngôi nhà tình thương trị giá 20 triệu đồng. Hiện tại, ông đang trợ giúp 2 hộ nghèo khác mỗi tháng 400 nghìn đồng, trong thời gian 3 năm.
Ông Hồ Xuân Lập, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Hòa Khương nhận xét rằng: Ông Thông đã mạnh dạn đầu tư vào nhiều lĩnh vực và lĩnh vực nào cũng khá thành công. Trang trại của ông còn tạo việc làm cho một số bà con địa phương.
Bài và ảnh: Hoài Nam