.

Đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT: Nhìn từ CECO 545

.

Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A (QL1A), đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước trên địa phận thành phố Đà Nẵng có tổng mức đầu tư 558 tỷ đồng, do Công ty CP Xây dựng công trình 545 (CECO 545) đầu tư theo hình thức BOT. Trong đó, vốn tự có của CECO 545 là 20%, vốn vay thương mại của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) - Chi nhánh Đà Nẵng 80%. Việc một công ty CP mạnh dạn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông cho thấy chiến lược xã hội hóa hạ tầng giao thông đang khởi sắc tại khu vực miền Trung.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng thăm dự án BOT Quốc lộ 1A, đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước.

Tháng 11-2007, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) đã ký kết Hợp đồng BOT Dự án nâng cấp mở rộng QL1A đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước thuộc địa phận Đà Nẵng với CECO 545. Dự án này trước đây được giao cho Công ty Quản lý và khai thác đất Đà Nẵng làm chủ đầu tư theo phương thức vay vốn đầu tư và thu phí hoàn vốn do UBND thành phố Đà Nẵng chủ trì thực hiện, song đã gặp không ít khó khăn trong việc huy động vốn.

Trước thực tế đó, thành phố Đà Nẵng đã chuyển giao lại dự án cho Bộ Giao thông-Vận tải và Bộ Giao thông-Vận tải đã chuyển hình thức đầu tư dự án từ vay vốn đầu tư, thu phí hoàn vốn sang đầu tư BOT trong nước, giao Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện. CECO 545 đã được chọn làm chủ đầu tư dự án.
CECO 545 đang thực hiện nhiều dự án lớn, có đủ năng lực và kinh nghiệm quản lý, thi công.
 
Theo Bộ Giao thông-Vận tải, việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông theo phương thức BOT mang tính xã hội hóa cao, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách và đang trở thành một hình thức đầu tư được Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện phát triển. Với dự án BOT nâng cấp mở rộng QL1A đoạn Hòa Cầm-Hòa Phước là cơ hội cho CECO 545 có thể tham gia đầu tư và khai thác chính công trình do mình thi công - một cách quản lý xây dựng cơ bản mang lại hiệu quả cao.

CECO 545 có thế mạnh về đầu tư địa ốc, xây dựng công trình giao thông. Chính chiến lược đa dạng hóa kinh doanh, thực hiện các dự án đầu tư với vai trò “ông chủ” chứ không chỉ đơn thuần “làm thuê” đã giúp DN tăng trưởng mạnh, đạt hiệu quả cao. Chiến lược xã hội hóa hạ tầng giao thông được coi là cơ hội mới để CECO 545 đầu tư dự án đúng chuyên ngành xây dựng giao thông vốn được xem là thế mạnh. Ông Thân Hóa, Giám đốc CECO 545 cho biết:

Sau hơn 20 tháng tích cực thi công, dự án đã hoàn thành vượt tiến độ cam kết, bảo đảm đạt chất lượng, an toàn giao thông..., trong đó có hai hạng mục lớn là thi công mới cầu Đỏ và cầu Quá Giáng. Thời gian tới, CECO 545 sẽ quản lý khai thác dự án một cách có hiệu quả nhằm khẳng định tính đúng đắn của chiến lược xã hội hóa hạ tầng giao thông, đồng thời tiếp tục đầu tư nâng cấp QL1A đoạn Hòa Phước - Vĩnh Điện (Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) với tổng vốn đầu tư trên 400 tỷ đồng. Hình thức hoàn vốn là tăng số năm thu phí tại Trạm Hòa Phước.

Dự án đã được CECO 545 đưa vào khai thác.

 

Đầu tháng 11-2009 vừa qua, Cục Đường bộ Việt Nam đã chính thức bàn giao Trạm thu phí Nam Hải Vân từ Công ty Quản lý và vận hành Hầm đường bộ Hải Vân thuộc Khu Đường bộ 5 cho CECO 545 tiếp quản và tổ chức thu phí theo quy định tại trạm này và trạm thu phí Hòa Phước. Trạm thu phí Nam Hải Vân sẽ thu phí các phương tiện qua hầm theo chiều Nam - Bắc, Trạm thu phí Hòa Phước sẽ thu phí 8,8km QL1A đoạn Hòa Cầm-Hòa Phước do CECO 545 đầu tư xây dựng để thu hồi vốn.

Toàn bộ đoạn đường và hạ tầng cơ sở liên quan do CECO 545 trực tiếp đầu tư theo phương thức BOT, tổng số vốn đầu tư 558 tỷ đồng. Theo quyết định của Bộ Giao thông-Vận tải, CECO 545 sẽ thu phí cả 2 trạm với thời gian 13 năm 8 tháng. Hết thời gian trên, công ty sẽ bàn giao lại 2 trạm trên cho Cục Đường bộ Việt Nam.

Có thể nói, hợp đồng BOT đầu tiên mà CECO 545 ký kết đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực đầu tư của mình. “Mặc dù đây là dự án hạ tầng đầu tiên thực hiện theo hình thức BOT, song CECO 545 tin tưởng vào hiệu quả cũng như năng lực quản lý. Việc đầu tư này mang tính đột phá và góp phần phát triển hạ tầng giao thông tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên”, ông Thân Hóa khẳng định.
 
PHƯƠNG UYÊN- CÔNG THÁI

;
.
.
.
.
.