.

Đến năm 2020, cả nước có 89 sân golf

.

Dự kiến đến năm 2020, cả nước sẽ có 89 sân golf (19 sân đã đi vào hoạt động), tập trung chủ yếu ở vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ với 29 dự án, tiếp theo là vùng Đông Nam Bộ 21 sân, đồng bằng sông Hồng 16 sân, vùng Trung du miền núi phía Bắc 11 sân, Tây Nguyên 8 sân và đồng bằng sông Cửu Long 4 sân golf

Một sân golf không sử dụng quá 5 ha diện tích là đất lúa 1 vụ năng suất thấp

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký phê duyệt Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 với mục tiêu xây dựng sân golf phải bảo đảm phân bố hợp lý trên các vùng và cả nước; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, thể thao, dịch vụ của các địa phương; tạo việc làm và tăng thu ngân sách nhà nước, đảm bảo phát triển hiệu quả và bền vững.

Các dự án sân golf không được lấy vào đất lúa, đất màu và đất quy hoạch xây dựng khu công nghiệp; khu đô thị; đất rừng (đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng).

Không được sử dụng đất làm sân golf xây dựng nhà, biệt thự để bán, chuyển nhượng 

Để hình thành 1 sân golf phải đảm bảo đủ các điều kiện: phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch sử dụng đất của địa phương; có vị trí địa lý phù hợp với yêu cầu, mục đích của dự án sân golf và điều kiện về kết cấu hạ tầng như giao thông, điện, nước; đáp ứng được yêu cầu về xử lý nước thải, bảo vệ môi trường bền vững; diện tích tối đa dành cho sân golf 18 lỗ là 100 ha; 1 sân golf không sử dụng quá 5 ha diện tích là đất lúa 1 vụ năng suất thấp...

Về tiêu chí xây dựng sân golf, tiêu chí tổng hợp quan trọng nhất là sân golf tuyệt đối không được sử dụng đất lúa 2 vụ. Trường hợp phải sử dụng đất lúa để xây dựng sân golf thì chỉ được sử dụng đất lúa 1 vụ năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao với diện tích không quá 5% tổng diện tích quy hoạch 1 sân golf đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; không được sử dụng đất thuộc quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, đất rừng (đặc biệt là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng) để xây dựng sân golf.

Địa điểm quy hoạch các sân golf chủ yếu là ở vùng trung du miền núi, vùng bãi cát ven biển khu vực miền Trung và các khu vực trọng điểm du lịch của các vùng và cả nước.

Để hạn chế tình trạng dùng đất quy hoạch xây dựng sân golf để kinh doanh bất động sản, quyết định nêu rõ, việc xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động sân golf chỉ được sử dụng đất đã giao để xây dựng sân golf, không được sử dụng đất đã cấp làm sân golf xây dựng nhà, biệt thự để bán, chuyển nhượng.

Thu hồi giấy phép đầu tư nếu không triển khai sau 12 tháng

Quyết định cũng quy định rõ, các chủ đầu tư xây dựng sân golf phải đáp ứng các tiêu chí: Có năng lực và khả năng về tài chính; có giải pháp, kế hoạch, cam kết cụ thể việc bố trí, sử dụng lao động, đặc biệt là lao động từ các hộ bị thu hồi đất để xây dựng sân golf; áp dụng các giải pháp kỹ thuật hiện đại trong quá trình hoạt động kinh doanh...

Đặc biệt, chủ đầu tư phải triển khai các thủ tục đầu tư theo quy định và bảo đảm tiến độ thực hiện dự án ngay sau khi được cấp phép đầu tư. Những dự án xây dựng sân golf đã được cấp phép mà sau 12 tháng không triển khai sẽ thu hồi giấy phép đầu tư; phải hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng không quá 48 tháng kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động địa phương

Một trong các biện pháp chủ yếu để thực hiện quy hoạch là ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật sân golf, quy định về môi trường đối với các dự án sân golf. Ngoài ra, mỗi dự án sân golf đều phải có Báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư với các tiêu chí như: Không được chặt phá rừng, san rừng, không được chiếm dụng đất nông nghiệp làm ảnh hưởng tới đời sống, việc làm của nông dân và an ninh lương thực...

Bên cạnh đó, phải có chính sách đối với người dân địa phương như chế độ sử dụng người lao động, chế độ hỗ trợ của doanh nghiệp đào tạo nghề cho lao động địa phương; nghiên cứu thực hiện chế độ cổ phần đối với các dự án có sử dụng đất nông nghiệp.

Chinhphu.vn

;
.
.
.
.
.