.

EU tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với giày da Việt Nam

.

Ngày 22-12, Liên minh châu Âu (EU) đã bỏ phiếu chính thức thông qua đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) kéo dài thêm 15 tháng thời hạn áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da nhập khẩu của Việt Nam và Trung Quốc

Đây là quyết định cuối cùng và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2010.

Giày da Việt Nam tiếp tục bị EU áp thuế chống bán phá giá

Theo TTXVN, việc áp thuế lần này chủ yếu nhằm vào các sản phẩm chủ lực trong chiến lược phát triển của ngành giày da Việt Nam (giày da trung, cao cấp) để có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước khác.

Theo thông tin ban đầu, có 10 nước bỏ phiếu ủng hộ việc áp thuế lần này gồm Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Bulgaria, Romania, Hungary, Hy Lạp và Slovenia. Những nước bỏ phiếu trắng, cũng sẽ được tính như ủng hộ, bao gồm 4 nước là Đức, Áo, Malta và Latvia.

Mười ba nước bỏ phiếu chống là Anh, Ireland, Bỉ, Luxembourg, Hà Lan, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Cộng hòa Séc, Slovakia, Litva và Estonia.

Những loại thuế chống bán phá giá giày, dép đã tạo ra một sự chia rẽ mạnh mẽ trong lòng EU kể từ khi nó được áp dụng để "hạn chế các sản phẩm giày dép giá rẻ từ Trung Quốc và Việt Nam chiếm lĩnh thêm thị phần của các nhà sản xuất nhỏ ở châu Âu".

Mức thuế mà EC áp đặt với giày, dép từ Trung Quốc là 16,5% và Việt Nam là 10%. Nhiều quốc gia thành viên EU đã mô tả loại thuế này là "theo chủ nghĩa bảo hộ".

Một quyết định không công bằng

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh cho biết, việc EC áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng giày mũ da xuất xứ Việt Nam đã gây ra các tác động hết sức tiêu cực đối với ngành công nghiệp giày da của Việt Nam, một ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam sử dụng trên 500.000 lao động với đa số là lao động nữ.

Hơn nữa, có thể nói ngành công nghiệp giày dép Việt Nam đang phải chịu tác động kép rất nặng nề khi mà mới đây, Cộng đồng châu Âu đã loại mặt hàng giày dép xuất khẩu của Việt Nam khỏi diện được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Theo Thứ trưởng, trước đó, nhiều lần Bộ đề nghị EC xem xét lựa chọn nước thay thế có các điều kiện tương đối tương đồng với Việt Nam như Indonesia, Thái Lan nhưng không được chấp nhận.

Những phân tích của chính EC cũng cho thấy, bên nguyên đơn là các nhà sản xuất giày châu Âu không phải gánh chịu thiệt hại do sức ép của hàng nhập khẩu trong giai đoạn hiện nay. Thị phần của các nhà sản xuất châu Âu vẫn duy trì ở mức ổn định trong giai đoạn điều tra rà soát (từ tháng 10-2008 đến nay) so với năm 2006.

Không những thế, đề xuất này còn đang đi ngược lại với chính sách chung của Cộng đồng châu Âu là thúc đẩy tự do hóa thương mại. Thậm chí, đề xuất này còn khuyến khích sự quay lại của chủ nghĩa bảo hộ, đi ngược lại chính quan điểm của đa số nước thành viên châu Âu tại cuộc họp ngày 19-11.

Trong khi đó, thep AP, nhiều nhà bán lẻ lớn ở châu ÂU tuyên bố rằng, họ là những nạn nhân thật sự của quyết định này bởi họ buộc phải trả tiền nhiều hơn. Alisdair Gray, Giám đốc British Retail Consortium, cho rằng quyết định của EU có nghĩa là "người tiêu dùng sẽ phải trả nhiều tiền hơn để mua giày trong một hai năm nữa". Ông Gray còn nói rằng, đây cũng là "một tín hiệu cho thấy EC bảo hộ các công ty ở châu Âu trước sự cạnh tranh từ bên ngoài".

ĐNĐT

;
.
.
.
.
.