“Từ trước đến nay, chưa có dự án nào đem lại hiệu quả kinh tế cao và thiết thực cho nông dân như dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, xây dựng mô hình nuôi bò lai Sind và trồng tre lấy măng” do Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm triển khai tại địa bàn xã”. Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh (Hòa Vang) Lê Đức Thương phát biểu như vậy tại buổi tổng kết dự án vào sáng ngày 9-12.
Những con bò của dự án cấp cho hộ nghèo ở Hòa Ninh.
Chỉ với nguồn vốn 668 triệu đồng, trong đó vốn Trung ương 335 triệu đồng, vốn đối ứng của địa phương 109 triệu đồng, còn lại là vốn của nông dân, Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm đã tạo cơ hội thoát nghèo rất lớn cho hơn 70 hộ nghèo ở thôn 1 và thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh. Bên cạnh lợi ích kinh tế họ được hưởng, dự án đã mở ra hướng phát triển kinh tế nông hộ khá bền vững bằng nuôi bò sinh sản và trồng tre lấy măng.
Sau 2 năm triển khai, đến nay cả 31 con bò được cấp đều phát triển tốt, một bê con đã ra đời, 21 bò cái chuẩn bị cho bê con; 2.000 bụi tre đã cho lứa măng đầu tiên. Nhiều nông dân tiếp nhận nguồn lợi từ dự án cho rằng: Lợi ích kinh tế họ có được đã gấp hai, gấp ba lần so ngày nhận cây, con giống. Theo họ, hồi nhận bò giống trị giá chỉ 3 triệu đồng/con, nay cả bò mẹ và bê con đã là 7-8 triệu đồng. Vài ba năm nữa, bò mẹ, bò con tiếp tục sinh sôi nẩy nở thành đàn. Còn tre lấy măng, năm sau mỗi bụi cho ít nhất 25-30 kg/năm, với giá 4.000 đồng/kg như hiện nay, trong vườn có 100 bụi là có nguồn thu không nhỏ. Từ nguồn thu này, cơ hội thoát nghèo trong tầm tay.
Không giấu nổi niềm vui khi gia đình vừa có con bò mẹ mập mạp gần đẻ và 40 bụi tre đã nhú những búp măng to như cổ chân, chị Trương Thị Uyên Nga, ở thôn Trung Nghĩa nói rằng: “Từ trước đến nay, không vốn liếng, muốn nuôi bò nhưng đành chịu. Trong lúc đang khó khăn thì Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm cấp cho 1 con bò cái và 40 hom măng giống. Không những vậy, cán bộ trung tâm còn hướng dẫn tỉ mỉ cách chăm sóc bò, cấp giống cỏ voi, tre lấy măng để trồng. Chừng vài tháng nữa là có bê con. Mới năm đầu mà tre đã nhú măng khá nhiều. Gia đình sẽ trồng tiếp 100 bụi tre. Có bò, có tre lấy măng, không lo chi nghèo nữa”. Còn bà Tôn Nữ Kim Chi ở thôn 1 cho biết, con bò cái vừa sinh một bê con.
Các hộ nghèo ở thôn 1, thôn Trung Nghĩa đều tất bật với việc trồng cỏ voi, chăm sóc bò và số tre đã trồng. Lứa măng đầu tiên không ai nghĩ tới chuyện thu hoạch, mà để vậy thành tre dành cho các năm tiếp theo, chắc chắn sẽ bội thu. Ông Nguyễn Văn Hòa, trưởng thôn 1 cho biết: Cùng với việc cấp cây, con giống, nông dân được tập huấn kỹ thuật rất chu đáo, từ đó hộ nào cũng hăng say lao động sản xuất. Sự nghiệp xóa nghèo tại đây đang được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Từ đầu năm đến nay đã có 5 hộ ra khỏi diện nghèo.
Dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình nuôi bò lai Sind và trồng tre lấy măng tại xã miền núi Hòa Ninh đã thành công. Đây là kết quả sự phối hợp khá đồng bộ của Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho công cuộc xóa nghèo ở miền núi. Từ dự án này cho thấy: Chuyển giao cây, con phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng sẽ đem lại kết quả như mong muốn. Tuy kinh phí đầu tư không lớn, nhưng hiệu quả dự án cả về kinh tế và xã hội là không nhỏ. Hy vọng thời gian tới, các cơ quan chuyên môn sẽ triển khai nhiều dự án, góp phần xóa nghèo bền vững ở các xã miền núi.
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU
.
.
Hiệu quả từ một dự án
Thứ Ba, 22/12/2009, 15:50 [GMT+7]
.
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.