.

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

.

Với khoảng 12 nghìn DN trên địa bàn, trong đó hơn 90% là DN nhỏ và vừa (DNNVV), do vậy, các DNNVV là lực lượng kinh tế có tác động lớn đến việc phát triển KT-XH của địa phương. Thời gian qua, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã tập trung chỉ đạo SXKD, kích cầu đầu tư, tiêu dùng cùng với nhiều nỗ lực của các thành phần kinh tế nên SXKD đang trên đà dần phục hồi. Tuy nhiên, hiện các DNNVV vẫn đang đứng trước những khó khăn nhất định, trong đó có việc thiếu vốn, mất thị trường...

Các DNNVV rất cần nguồn vốn để phát triển SXKD.


Theo Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Đà Nẵng, gói kích cầu kinh tế của Chính phủ đã tác động lớn đến hoạt động SXKD của DN. Song do năng lực SXKD của DNNVV còn hạn chế, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp nên vẫn tiềm ẩn những thách thức về tìm đầu ra cho sản phẩm, trong khi giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu biến động.

Một số DN rất nỗ lực tổ chức lại thị trường nhưng vẫn chưa ký được hợp đồng tiêu thụ dài hạn. Mới đây, trong các buổi làm việc với lãnh đạo các ngân hàng (NH) trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương cho biết: Hiện nay, các DNNVV đang rất khát vốn, các NH cần phải quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn nữa đối tượng này, và có nhiều chính sách ưu tiên, để các DNNVV tiếp cận được nguồn vốn.

Ông Phạm Quyết Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và xây dựng Quyết Thắng cho hay: Hiện nay, khó khăn lớn nhất là đối mặt với cạnh tranh giá thành sản phẩm. Do tính khắt khe của thị trường quốc tế, chi phí SXKD cao, giá dầu tăng, dẫn đến giá trị đầu vào cao nhưng giá sản phẩm xuất khẩu không tăng tương ứng.

Mặc dù DN tích cực tìm thị trường nhưng chưa tiến triển khả quan, dẫn đến suy giảm về số lượng hàng hóa xuất khẩu. Do vậy, để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các DNNVV cần tập trung tiết kiệm chi phí để hạ giá thành sản phẩm. Tổ chức lại lao động theo hướng chuyên sâu, bố trí sản xuất hợp lý, bố trí giờ làm việc để tránh giờ cao điểm.

Tích cực tìm hiểu, nắm bắt thông tin giá cả vật tư đầu vào, tìm nguồn nguyên liệu giá thấp, sử dụng nguyên vật liệu nội địa thay thế nguyên vật liệu nhập khẩu. Bên cạnh đó, chú trọng đến thị trường trong nước. Đối với các DN xuất khẩu cần hướng đến các thị trường ngoài Mỹ và EU như châu Phi, Trung Đông... bởi những thị trường này tương đối “dễ tính” và chưa được các DN khai thác nhiều.

Thực tế, cũng có DN ít chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế thế giới do có thị trường tiêu thụ nội địa ổn định, đặc biệt là DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Minh Hoàng (bán kẻ hàng hóa)  tự tin:

Các DNNVV cần cải tiến lại trang thiết bị để sản xuất ra các sản phẩm mới, đáp ứng yêu cầu thị trường.


“DN tập trung kinh doanh các mặt hàng chiến lược, giữ vững thị trường tiêu thụ nội địa, đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường nội địa, mở rộng địa bàn với nhiều kênh phân phối... Do đó, những tháng qua là thời điểm khó khăn đối với nhiều DN nhưng chúng tôi vẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng cũng như lợi nhuận”. Một giải pháp khác DNNVV cũng cần tính đến là liên kết kinh doanh.

Do quy mô nhỏ, DNNVV thường gặp khó khăn trong việc thỏa mãn nhu cầu đa dạng của khách hàng, nhất là cung ứng các sản phẩm trọn gói. Vì vậy, DN cần liên kết trong cung ứng sản phẩm, chẳng hạn: dịch vụ nhà hàng - khách sạn - du lịch, liên kết bán chéo sản phẩm...

Còn ông Đỗ Duy Phúc, Giám đốc NHTMCP Dầu Khí toàn cầu Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng: Ngân hàng thương mại cần quản lý chặt chẽ hoạt động cho vay hỗ trợ lãi suất, bảo đảm các món vay sử dụng đúng mục đích, tạo điều kiện để DN được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Địa phương cần tiếp tục hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, tìm khách hàng nước ngoài, giảm thiểu các thủ tục hành chính, tiếp cận các nguồn vốn ngoài vốn vay NH.

Bài và ảnh: Phương Uyên - Công Thái

;
.
.
.
.
.