.

Kiến nghị không tăng giá than cho sản xuất điện

.

Để tránh tăng giá điện đột biến, Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) đã đề nghị Bộ Công Thương có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ cho phép tăng giá than phục vụ sản xuất điện năm 2010 ở mức độ hợp lý, không thực hiện tăng giá than như mức của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đề xuất

Khai thác than
Theo đó, Cục không chấp nhận kiến nghị của TKV áp dụng giá than cho điện năm 2010 theo giá than xuất khẩu trừ 10%.

Giá than cho điện cần phù hợp với mức tăng giá điện

Để ổn định giá điện trong nước, giá than cho điện cần được xác định trên cơ sở giá thành sản xuất than cộng lợi nhuận cho ngành than ở mức tương quan hợp lý so với lợi nhuận của ngành điện để đảm bảo tính hợp lý cân đối liên ngành.

Năm 2010, giá điện chưa thực hiện được theo cơ chế thị trường nên giá than cho điện cần được xác định ở mức phù hợp với mức tăng giá điện được Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, giá than cho điện cần tăng theo lộ trình phù hợp với lộ trình tăng giá điện lên đạt mức giá thị trường.

Cục Điều tiết Điện lực cho rằng, việc TKV đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Công Thương xem xét tăng giá bán than cho sản xuất điện năm 2010 lên bằng giá xuất khẩu trừ 10% là không có cơ sở. Ngoài vấn đề giá than cần được quy định ở mức hợp lý để thực hiện được chính sách giá năng lượng của Chính phủ nêu trên, tờ trình của TKV không cho thấy tại sao giá than cho điện lại ở mức đề xuất.

Hiện nay than cho điện chủ yếu là than xấu, nhiệt lượng thấp, trong khi đó than xuất khẩu là than sạch có giá trị cao, giá than xuất khẩu liên tục biến động phụ thuộc vào biến động cung cầu than trên thế giới mà không phụ thuộc vào giá thành thực tế sản xuất than tại mỗi nước.

Theo văn bản của TKV báo cáo Thủ tướng Chính phủ, việc thực hiện giá bán than cho sản xuất ximăng, giấy, phân bón và đề nghị điều chỉnh giá bán than cho sản xuất điện, TKV đưa ra giá thành sản xuất năm 2009 của than cám 5 là 520.000 đồng/tấn, cám 4b là 648.000 đồng/tấn, cám 6a là 414.000 đồng/tấn, cám 5b là 330.000 đồng/tấn (các mức giá thành này mới là số liệu tính toán do chính TKV đề nghị mà chưa được thẩm định và kiểm toán độ chính xác). Như vậy, nếu giá than cho điện được lấy bằng giá than xuất khẩu trừ lùi 10% như đề nghị thì TKV sẽ thu được siêu lợi nhuận từ giá than trong nước.

Lợi nhuận của than cám 4b sẽ bằng khoảng 70% giá thành, than cám 5 bằng khoảng 85% giá thành, than cám 6a bằng khoảng 100% giá thành và than cám 6b bằng khoảng 92% giá thành. Với mức lợi nhuận như vậy, cùng với tỷ suất lợi nhuận cao của than xuất khẩu, tỷ suất lợi nhuận toàn ngành than sẽ có thể rất cao.

Trong khi đó, với mức tăng giá điện 8,92% từ tháng 3-2009, dự kiến tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu toàn ngành điện năm 2009 ước tính chỉ đạt mức dưới 5%, mức tỷ suất lợi nhuận thấp như vậy làm cho năng lực tài chính toàn ngành không đủ mạnh cho vay vốn, thu hút đầu tư để đảm bảo đủ điện cho đất nước về lâu dài.

Vì những lý do nêu trên, theo Cục Điều tiết Điện lực, giá than cho điện cần được tính trên cơ sở giá thành sản xuất than trong nước cộng thêm lợi nhuận hợp lý cho ngành than. Hơn nữa, cần xem xét vấn đề than là tài nguyên quốc gia nên phải được ưu tiên sử dụng trong nước để đảm bảo an ninh năng lượng và giá than trong nước cần được duy trì ở mức hợp lý để phục vụ cho lợi ích quốc gia trước tiên.

Cũng theo Cục Điều tiết Điện lực, nếu thực hiện giá than cho điện theo TKV đề nghị thì giá than cám 4b là 1.100.000 đồng/tấn, tăng 149% so với giá hiện hành (442.000 đồng/tấn); giá than cám 5 là 960.000 đồng/tấn, tăng 137% so với giá hiện hành (405.500 đồng/tấn).

Với các mức giá than như vậy, chi phí phát điện năm 2010 sẽ tăng đáng kể, ước tính tăng thêm 4.229 tỷ đồng so với phương án giá điện năm 2010 của EVN đề xuất; giá bán điện bình quân sẽ phải tăng từ mức 948.5 đồng/kWh năm 2009 lên mức 1.110,8 đồng/kWh năm 2010, tức là tăng 17,11% so với giá bán điện bình quân được duyệt năm 2009.

Giá than cho điện khác với giá than cho nhu cầu tiêu thụ khác

Theo điểm a khoản 3 thông báo của Văn phòng Chính phủ truyền đạt kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về giá than bán cho các nhu cầu tiêu thụ trong nước, cơ chế giá than cho điện sẽ áp dụng khác với cơ chế giá than cho các nhu cầu tiêu thụ khác trong nước.

Từ năm 2010, giá than bán cho các nhu cầu tiêu thụ khác trong nước sẽ thực hiện theo giá thị trường, trong khi đó, giá than cho điện sẽ áp dụng giá thị trường khi giá điện được thực hiện theo cơ chế thị trường và phải được tăng dần theo lộ trình đến giá thị trường, để tránh giá điện tăng đột biến, gây sốc đến nền kinh tế và đời sống nhân dân.

Để giá điện được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, Cục Điều tiết Điện lực cho rằng cần phải thực hiện được 2 cơ chế. Một là cho phép tự động chuyển các chi phí đầu vào của sản xuất điện vào giá bán lẻ điện, đồng thời cho phép doanh nghiệp tự điều chỉnh giá bán lẻ khi có biến động các chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh điện (như giá than và các giá nhiên liệu khác, chênh lệch tỷ giá). Hai là giá phát điện phải được xác định thông qua hoạt động cạnh tranh trên thị trường phát điện.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, hiện nay Cục Điều tiết Điện lực đang tiến hành nghiên cứu để xây dựng lại quy định dưới dạng một nghị định theo hướng cho phép giá điện được điều chỉnh theo chỉ số của các thông số đầu vào. Vì vậy, dự kiến phải mất ít nhất từ 6-9 tháng Cục mới có thể hoàn thành và trình ban hành nghị định và chỉ có thể đưa vào áp dụng sớm nhất cho điều chỉnh giá điện từ năm 2011, khi đó mới có thể xem xét điều chỉnh giá than theo giá điện thị trường.

Theo Vietnam+

;
.
.
.
.
.