.

Lãi suất cao cũng không dễ vay

.

Cuối năm là thời kỳ cao điểm về nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, đây cũng là khoảng thời gian ngân hàng cần tích trữ tiền bạc để tăng khả năng thanh khoản của mình. Chính vì thế, cuối năm là thời điểm khó tiếp cận vốn ngân hàng nhất. Do đó, việc các ngân hàng phải đối diện với bài toán thiếu vốn sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp.

Các ngân hàng tăng lãi suất nhưng vẫn khó vay.
Mới đây, giám đốc một công ty TNHH trên địa bàn quận Thanh Khê đã chất vấn ông Võ Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chi nhánh thành phố, về việc DN khó tiếp cận vốn của ngân hàng (NH). Ông giám đốc này cho biết: Khi DN đi vay và được một NH trên địa bàn đồng ý cho vay với lãi suất trên 15%/năm (trong khi đó, theo quy định của NHNN, mức lãi suất cho vay không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản, tức là dưới 12%). Trả lời vấn đề này, ông Võ Minh khẳng định: NH trên đã vi phạm quy định của NHNN, các tổ chức và cá nhân có nhu cầu vay vốn khi phát hiện những trường hợp này, đề nghị thông báo về đường dây nóng của NHNN chi nhánh thành phố.

Trong thời gian gần đây, các ngân hàng liên tục đẩy lãi suất huy động lên cao, sát với trần lãi suất. Một số ngân hàng còn đưa ra mức lãi suất tiền gửi lên mức 10,30%/năm, cho các kỳ hạn ngắn hạn. Trong lúc lãi suất kỳ hạn trung và dài hạn lại thấp hơn kỳ hạn ngắn, một nghịch lý rất ít xảy ra ở thị trường tiền tệ. Điều này cho thấy, trong thời điểm này, các ngân hàng đang rất cần vốn cho việc thanh khoản. Điều này đồng nghĩa với việc tiếp cận vốn NH trong thời khoảng thời gian này không dễ chút nào.

Điểm đáng chú ý là, mặc dù lãi suất đã tăng gần kịch trần nhưng lượng tiền huy động ở các ngân hàng vẫn chưa được cải thiện là mấy. Áp lực vốn khiến các ngân hàng phải dự phòng từ trước. Trong cơ cấu tiền gửi, tỷ lệ không kỳ hạn và kỳ hạn ngắn luôn áp đảo kỳ hạn dài. Dấu hiệu căng thẳng thanh khoản vốn ngắn hạn cho những tháng cuối năm 2009 và dịp Tết Canh Dần đang lộ dần. Chính vì thế, các ngân hàng thương mại buộc phải dự trữ thanh toán lớn hơn nên thiếu chủ động nguồn vốn cho vay cũng như dành vốn cho hoạt động kinh doanh khác.

Không dừng lại ở đó, việc trích dự phòng rủi ro cao, kết hợp với thị trường vàng lên cơn sốt giá đã khiến một lượng tiền không nhỏ từ các ngân hàng chảy qua thị trường vàng do người dân lo ngại giá vàng sẽ lên cao hơn nữa nên rút tiết kiệm ra mua. Thị trường vốn cuối năm đã nóng nay lại càng nóng hơn.

Ông Nguyễn Văn Khiên, Giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam, Chi nhánh Đà Nẵng cho biết: Tính đến 30-11, tổng nguồn vốn huy động của chi nhánh đạt 1.077 tỷ đồng, giảm 11 tỷ đồng so với đầu năm. Trong khi đó, để đảm bảo được thanh khoản, ngân hàng phải có một lượng tiền mặt tương đối lớn. Đối với các máy rút tiền ATM, mỗi máy phải có thường xuyên 1 tỷ đồng, còn tiền mặt tại chi nhánh, phòng giao dịch cũng xấp xỉ vài chục tỷ.

Ông Nguyễn Đình Diệp, Giám đốc Công ty TNHH Phong Phú Thịnh, cho biết: Những tháng cuối năm nay và đầu năm 2010, công ty cần một lượng vốn khá lớn để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình. Tuy nhiên, lượng vốn huy động được không thấm vào đâu so với nhu cầu của đơn vị. Do đó, công ty vẫn phải thường xuyên tìm kiếm kênh tín dụng ngoài ngân hàng.

Trên thực tế, mặc dù lãi suất VND đang thực dương nhưng không phải vì thế mà việc huy động vốn dễ dàng. Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp: Từ nay đến Tết Nguyên đán, các ngân hàng thương mại phải có biện pháp cân đối tài sản và kiểm soát rủi ro hiệu quả, đồng thời liên tục yêu cầu sử dụng hợp lý tình hình các nguồn vốn huy động, rà soát và bảo đảm các chỉ tiêu an toàn, hạn chế cho vay tiêu dùng và chứng khoán, bất động sản… khiến cho hoạt động vay vốn cuối năm và đầu 2010 càng bị siết chặt lại.

Bài và ảnh: Thành Lân

;
.
.
.
.
.