.

Làng nghề và du lịch : Hỗ trợ cùng phát triển

.

Trong định hướng phát triển làng nghề từ nay đến năm 2020, UBND quận Ngũ Hành Sơn cũng đã đề ra mục tiêu: Phát huy lợi thế của Làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ truyền thống Non Nước, tiếp tục phát triển công nghiệp chế tác trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, nhằm tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh trong nước và quốc tế. Quy hoạch lại làng nghề và đẩy mạnh phát triển thương mại kết hợp với phát triển du lịch. Ưu tiên phát triển mạnh Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước trên địa bàn được quy hoạch, khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp và tư nhân đầu tư phát triển các sản phẩm mỹ nghệ từ đá với quy mô lớn...

Du khách nước ngoài đang xem các nghệ nhân chế tác đá mỹ nghệ.

Hiện tại, Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước có hơn 20 DN, 430 cơ sở sản xuất kinh doanh với hơn 4.500 lao động. Doanh thu từ nghề đá mỹ nghệ hằng năm đạt gần 100 tỷ đồng.  Nằm ngay trong lòng danh thắng Ngũ Hành Sơn, nên từ lâu Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước đã trở thành một điểm tham quan, mua sắm hàng lưu niệm hấp dẫn của du khách mỗi khi đến Đà Nẵng.
 
Nhờ vậy, sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước đã theo chân du khách có mặt ở nhiều nơi trên thế giới như: Pháp, Úc, Hồng Kông, Thụy Sĩ, Mỹ... Đặc biệt, sau khi được UBND thành phố cho phép thành lập làng nghề, có logo, thương hiệu riêng thì việc hợp tác liên kết sản xuất, quảng bá sản phẩm ra thị trường nước ngoài ở Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước phát triển lên tầm cao mới.

Tuy nhiên, Ngũ Hành Sơn không chỉ nổi tiếng với Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước mà còn có nhiều tiềm năng và lợi thế khác để phát triển du lịch. Mảnh đất này được xem như nơi hội tụ đủ cả ba yếu tố “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Những năm gần đây, du lịch Ngũ Hành Sơn đã có bước phát triển nhảy vọt. Ngoài phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, loại hình du lịch tâm linh cũng thu hút đông đảo du khách bởi 5 ngọn núi Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn, Thổ Sơn, với các chùa chiền cổ kính, hang động kỳ thú và bí ẩn. Theo lời của một vị cao niên sống dưới chân núi Ngũ Hành Sơn:
 
“Đây là vùng đất mang giá trị tâm linh và triết lý nhà Phật nên thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đều thưởng lãm”. Đặc biệt, lễ hội Quán Thế Âm tổ chức vào ngày 19-2 âm lịch hằng năm thu hút đông đảo thiện nam tín nữ và du khách gần xa về trẩy hội, tạo nên cảnh sinh hoạt đậm đà màu sắc dân gian cổ truyền...

Các sản phẩm tinh xảo của Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước.

 

Hằng năm, danh thắng Ngũ Hành Sơn đón khoảng 320 nghìn lượt du khách, trong đó có gần 100 nghìn lượt khách nước ngoài. Lượng khách quốc tế năm nay có sụt giảm, vì vậy, theo  bà Trần Thị Mẫn, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, việc đẩy mạnh các biện pháp quảng bá và thực hiện chiến lược thu hút du khách đến với các điểm du lịch là hết sức cần thiết, nhằm hạn chế thấp nhất việc giảm lượng khách, nhất là đối với khách nước ngoài.

Hiện tại, du lịch Ngũ Hành Sơn đang đứng trước thời cơ phát triển để trở thành một trung tâm du lịch nổi tiếng, thu hút ngày càng đông khách trong nước và quốc tế đến tham quan và nghỉ ngơi. Những kết quả đạt được đó có phần đóng góp không nhỏ của Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước.
 
Chính vì vậy, để cho ngành du lịch Ngũ Hành Sơn phát triển một cách bền vững, cũng như thương hiệu Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước vươn xa trên thị trường thế giới, cần có sự chung sức chung lòng của các cấp, các ngành liên quan, trong đó, vai trò của chính người trong cuộc cũng không kém phần quan trọng.

Bài và ảnh: Thành Lân

;
.
.
.
.
.