.
Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt

Sinh viên là bộ phận tuyên truyền hàng Việt hiệu quả

.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động trên toàn quốc từ tháng 8 đến nay từng bước đi vào chiều sâu với những hiệu ứng lớn từ phía người tiêu dùng trong cả nước. Trong đó, sinh viên là đối tượng tiêu dùng được đánh giá là thông minh, đồng thời là một trong những bộ phận tuyên truyền hàng Việt hiệu quả nhất.

Hàng Việt của doanh nghiệp giày BQ đã tiếp cận trực tiếp đến các sinh viên Đà Nẵng.
Trong chương trình phát động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Đại học Đà Nẵng mới đây, đã nhận được nhiều ý kiến của sinh viên bày tỏ sự ưu ái đối với hàng Việt, nhưng đồng thời cũng nêu lên nhiều vấn đề để các DN cần lưu ý.

Thực tế, việc mua sắm của đại đa số sinh viên đều phụ thuộc vào nguồn chu cấp của gia đình, nhưng vấn đề tiêu dùng hàng hóa của sinh viên vẫn được xem là thế hệ khách hàng có trình độ nhận thức cao. Không đơn giản là việc bỏ tiền ra mua, các sinh viên còn cập nhập nắm bắt cái mới và thể hiện suy nghĩ, quan điểm đối với hàng Việt. Sự quan tâm của sinh viên với hàng Việt không chỉ là thái độ tôn trọng sản phẩm do chính đồng bào làm ra mà còn là những câu hỏi lớn đặt ra để các doanh nghiệp nhìn nhận lại mình.

 Em Nguyễn Văn Nam, SV năm 3 - Khoa Tin học ĐHBK nêu ý kiến: “Hiện nay, các loại hàng hóa của ta vẫn chưa bảo đảm được 3 tiêu chí: Rẻ, bền, đẹp. Như vậy, muốn đẩy mạnh việc tiêu dùng hàng Việt, các DN cần phải cải thiện những tiêu chí nói trên”. Còn Ngô Văn Trọng, SV lớp 08C4B, Khoa Cơ khí ĐKBK đưa ra nhận định: “Khâu quảng bá tiếp thị hàng hóa của các DN trong nước còn yếu, trong khi các nhãn hàng, sản phẩm nước ngoài luôn chú trọng quảng cáo trên các kênh thông tin rất lớn. Gần đây, hưởng ứng cuộc vận động về tiêu dùng hàng hóa trong nước, có khá nhiều DN trên địa bàn thành phố như: Công ty CP Dệt may 29-3, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty Giày BQ, Công ty Hữu Nghị... đã có những động thái tiếp thị hàng hóa sinh động và trực tiếp đến người dân bằng những hoạt động bổ trợ giới thiệu hình ảnh của DN và sản phẩm chất lượng.

Từ chính thái độ tôn trọng người tiêu dùng của DN, các sản phẩm đã được sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng, trong đó có sinh viên”. Trần Văn Thành, SV năm 4, Khoa Kiến trúc ĐHBK cho biết: “Phải thừa nhận rằng, hàng Việt Nam vài năm trở lại đây có sự tiến bộ rõ rệt, từ chất lượng đến giá cả và chế độ bảo hành”. Để cụ thể hóa hành động cũng như thái độ tiêu dùng, nhiều sinh viên cho biết, “từ khi có cuộc vận động này, khi đi mua hàng, em chỉ tìm mua những mặt hàng của Việt Nam.
 
Các trường học của Hàn Quốc đều vận động và hướng học sinh các cấp nên sử dụng hàng trong nước thì tại sao chúng ta lại không tuyên truyền dùng hàng nội địa ngay trong trường học, khi mà cùng sản phẩm hàng hóa, chủng loại được đánh giá là chất lượng không thua kém?” .

Trong buổi nói chuyện giao lưu với SV ĐH Đà Nẵng về hàng Việt, ông Phí Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghệ CMC (TP. Hồ Chí Minh) nói rằng: “Lý do tôi chọn các sinh viên làm đối tượng để nói chuyện về hàng Việt là vì tôi hiểu, sinh viên là những người  hiểu nhanh và truyền đạt được rất nhiều thông tin cho người thân. Họ vừa là đối tượng tiêu dùng lẫn truyền tin và cũng là chủ DN trong tương lai. Vì thế, các DN, nhà sản xuất cần phải chú trọng hơn nữa đến đối tượng tiêu dùng này”.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.