.

Những kỳ vọng cho năm 2010!

.

Qua những chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu hút đầu tư, kinh doanh dịch vụ vào những tháng cuối năm 2009 đã cho thấy nền kinh tế thành phố Đà Nẵng đứng trước giai đoạn phục hồi và phát triển. Để từ đó, kỳ vọng vào năm 2010, kinh tế Đà Nẵng sẽ có nhiều bước phát triển mới thành công.

Kinh tế phục hồi

Năm 2009, Công ty TNHH Mabuchi Motor đã gia tăng sản lượng lên 87% so với năm 2008.
Duy trì những cơ chế, chính sách về môi trường đầu tư, SXKD thông thoáng, thuận lợi nên năm 2009, thành phố Đà Nẵng đã huy động được 15.300 tỷ đồng vào đầu tư phát triển kinh tế, gắn thu hút đầu tư trong nước với đầu tư nước ngoài để tạo nguồn lực mạnh mẽ cho sự phục hồi nền kinh tế, khi giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố đạt 11.336 tỷ đồng, tăng trưởng 10,1%.

Sản xuất công nghiệp đã cùng với một số ngành kinh tế khác đưa kinh tế Đà Nẵng vượt qua khó khăn của khủng hoảng, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 11,2% so với năm 2008. Sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế của thành phố quý sau cao hơn quý trước bởi sự năng động từ phía các doanh nghiệp (DN).

Đơn cử, trong sản xuất công nghiệp, quý 1-2009 đã lao xuống chạm đáy khủng hoảng với sự sụt giảm 13,8% so với cùng kỳ năm 2008, thế nhưng với chính sách kích cầu của Nhà nước, sự hỗ trợ hiệu quả của chính quyền thành phố, bước sang quý 2, sản xuất công nghiệp đã có sự tăng trưởng lên 0,5%. Tiếp ở quý 3, tăng trưởng 7,1%, đưa mức tăng trưởng bình quân cả năm lên 10,1%.

Nhiều DN có mức tăng trưởng khá như Công ty CP Thép Đà Nẵng tăng 26,4%; Công ty Sinaran 21%; Công ty Điện tử Việt Hoa 13%; Công ty Vijachip 35,4%. Ngành dệt tăng trưởng 24,6%, chế biến thủy sản tăng 13,3%, sản xuất thép cán tăng 20,6%, thiết bị điện tăng 53,4%...

Nguồn lực tài chính lành mạnh đã làm cho nhiều dự án đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp tái khởi động như Liên doanh Dệt may ITC- Phong Phú; Điện tử Poster Đà Nẵng; Nhà máy lắp ráp động cơ diesel thuộc Công ty Lắp máy miền Nam. Công ty CP Thép DANA-Ý đưa dây chuyền luyện phôi thép công suất 150.000 tấn/năm vào hoạt động. Các Công ty Daiwa, Mabuchi Motor mở rộng quy mô đầu tư sản xuất, gia tăng sản lượng 86,1% và 87%.

Tăng trưởng theo chỉ số dương (+) cũng là điểm lạc quan của hoạt động xuất khẩu khi các DN đã tái cấu trúc sản xuất, tích cực tìm kiếm thị trường mới, củng cố lại thị trường cũ, ổn định các đơn hàng xuất khẩu với sản phẩm có chất lượng, phù hợp với thị trường. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 580 triệu USD, tăng trưởng 6,4%.

Nhận diện lợi thế kinh tế ngành dịch vụ

Sự tăng trưởng trong lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2009 đạt giá trị 21.520 tỷ đồng, tăng 16,3%. Trong vòng 4 năm qua, doanh số bán lẻ ở thị trường Đà Nẵng tăng trung bình 25%/năm. Hiện nay, dân số Đà Nẵng đang được trẻ hóa, du lịch phát triển thì đây thực sự là đối tượng khách hàng tiềm năng đầy hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ.

Dự báo trong vòng 4 năm tới, thị trường bán lẻ ở thành phố Đà Nẵng sẽ phát triển mạnh mẽ, khi có 16 dự án đăng ký đầu tư mới vào hệ thống bán lẻ với các trung tâm thương mại, siêu thị cỡ lớn. Hệ thống bán lẻ sẽ được đầu tư mở rộng sang các quận khác như Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn… tạo ra  sức lan tỏa để kích cầu tiêu dùng.

Năm qua, ngành Du lịch chịu nhiều tác động của khủng hoảng kinh tế nhưng cũng đã thu hút 1,35 triệu lượt du khách đến tham quan, tăng 6,4%. Đặc biệt, chương trình “Đà Nẵng, điểm hẹn mùa hè” trở thành sản phẩm du lịch  tiềm năng và chiến lược.

Năm 2010, Đà Nẵng có thêm 42 khách sạn mới được đầu tư và sẽ đưa vào sử dụng, nâng tổng số phòng khách sạn từ 3-5 sao lên 7.000 phòng. Riêng nguồn cung khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao có 24 dự án với 4.300 phòng, chủ yếu tại các quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Hải Châu, trong đó 2/3 số dự án và phòng khách sạn mới được đưa vào khai thác ở quận Ngũ Hành Sơn.

Mục tiêu đạt 1,45 triệu du khách đến Đà Nẵng tham quan du lịch trong năm 2010 rất khả quan khi hạ tầng đô thị, du lịch của thành phố được hoàn thiện. Các lĩnh vực tài chính-ngân hàng, bưu chính-viễn thông ngày càng thể hiện rõ vai trò trung tâm của khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Lạc quan về sự phát triển kinh tế Đà Nẵng được thể hiện khi thành phố xác định mức tăng trưởng GDP năm 2010 sẽ ở khoảng 12-13%, trên cơ sở tăng trưởng kinh tế tầm vĩ mô cả nước là 6,5-7%. Yếu tố lạc quan ở năm 2010 là nền kinh tế đang trên đà phục hồi, DN đã chủ động tái cấu trúc đầu tư phát triển, trên cơ sở năng suất, chất lượng, sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Theo đó, thành phố Đà Nẵng khuyến khích DN gia tăng ứng dụng các thành tựu trong khoa học-công nghệ đối với các lĩnh vực như công nghệ thông tin, sinh học, vật liệu mới và tự động hóa.

Bài và ảnh: TRIỆU VĂN TÙNG

;
.
.
.
.
.