.

Nỗi lo giữ chân công nhân dịp cuối năm!

.

Lao động luôn là mối quan tâm hàng đầu của mọi DN hiện nay. Đặc biệt là vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Thực trạng này có một nguyên nhân là với các DN, do các đơn hàng cuối năm mới ký kết được hoặc phải gấp rút hoàn thành kế hoạch năm nên việc tuyển lao động để hoàn thành đơn hàng và hoàn thành kế hoạch mới được triển khai rầm rộ, kể cả các DN lớn.
 

Chưa nhiều DN có được bữa cơm ca cho công nhân chu đáo như thế này. (Ảnh chụp tại Công ty Machimotor-Nhật Bản)

Tuy nhiên, do không có chiến lược giữ công nhân, thêm vào đó là thu nhập thấp nên họ đã rời bỏ DN đi tìm việc làm mới, cho dù việc làm mới này không ổn định. Để hạn chế đến mức thấp nhất sự biến động của lao động, nhiều DN đã có các chiến lược với các chính sách cụ thể để giữ công nhân, ổn định nguồn lao động.

Ở Công ty CP Dệt-may 29-3, ngay từ quý 3 đã công khai mức thưởng Tết 2010 cho công nhân với mức thưởng tương đương 2 tháng lương trung bình cả năm nếu lao động tốt và gắn bó với DN. Trong đó, có việc chấp hành nghiêm kỷ luật về thời gian (không nghỉ việc trước Tết và đi làm đúng theo quy định của công ty sau Tết…).

Đồng thời, công ty cũng lo đủ việc làm cho công nhân cho dù các đơn hàng không lớn như mọi năm. Nhờ đó, công ty vẫn giữ được lao động ổn định từ đầu năm, đây cũng là một thế mạnh của công ty trong việc cạnh tranh trên thị trường. Đối với Công ty CP Sản xuất thương mại Hữu Nghị, có số lao động lớn (gần 2.000 lao động) chuyên SX hàng xuất khẩu, nên cũng bị ảnh hưởng nhiều do khủng hoảng kinh tế.
 
Tuy nhiên, với chính sách rõ ràng về lao động, đặc biệt là các chính sách về lương, thưởng theo hướng khuyến khích và ưu tiên cho những lao động gắn bó lâu dài nên công ty luôn có một lực lượng lao động ổn định. Đặc biệt khi có những đơn hàng gấp, hầu hết công nhân tự nguyện làm tăng ca và làm vào các ngày nghỉ, ngày lễ, để tạo điều kiện cho công ty bảo đảm thời gian giao hàng, giữ uy tín với khách.

Đối với các DN trong ngành xây dựng (kể cả tư nhân), đây là ngành mà lao động thường xuyên biến động do công việc không ổn định, dồn dập vào thời điểm cuối năm, nhưng lại nghỉ dài vào các thời điểm đầu năm.

Để giữ chân công nhân, ổn định nguồn lao động, ngoài việc tổ chức sản xuất hợp lý để không bị gián đoạn, hạn chế đến mức thấp nhất việc công nhân phải nghỉ việc, các đơn vị đã có các chính sách đãi ngộ hợp lý, nhất là đối với các công nhân có tay nghề cao… Vào các thời điểm giáp Tết, hầu hết công nhân đều làm thêm giờ, có khi là cả 2 ca để kịp tiến độ.

Tuy nhiên, không phải DN nào cũng làm được như các DN trên. Tình trạng người lao động không gắn bó với DN còn do 2 nguyên nhân: Một là thu nhập không đủ sống, tình trạng này khá phổ biến ở một số DN có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp tư nhân có tư tưởng làm ăn “chụp giật”, không quan tâm đến đời sống chung của người lao động. Hai là, các công nhân bỏ việc hầu hết có tư tưởng “đứng núi này, trông núi nọ”, tay nghề kém, lười lao động…

Để hạn chế tình trạng khủng hoảng lao động vào các thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán và ổn định lâu dài nguồn lao động, các DN cũng như ổn định lao động, đòi hỏi mỗi DN cần phải có các chính sách nguồn nhân lực, trên cơ sở chiến lược trung và dài hạn theo định hướng phát triển của DN. Trong đó, cần phải coi người lao động là nhân tố cơ bản có tính quyết định đến sự thành bại của DN.

Đặc biệt là các chính sách đào tạo, chăm lo đến đời sống của người lao động, bảo đảm người lao động có thu nhập ngày càng tăng, các chính sách như BHXH, BHYT… Trong thực tế có không ít DN để trốn đóng bảo hiểm cho người lao động, thường ký các hợp đồng ngắn hạn từng đợt một.
 
Tình trạng này xảy ra nhiều tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài của Đài Loan, Hàn Quốc, các DN tư nhân, Công ty TNHH quy mô nhỏ. Số DN tổ chức khám bệnh định kỳ cho người lao động chưa nhiều (vì tốn kém), tình trạng công nhân bị bệnh nghề nghiệp không được khám, chữa trị kịp thời còn phổ biến, nhất là các DN có số lao động nữ lớn.     

Bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố cho biết: Có nhiều DN o ép người lao động, tuy nhiên với việc tăng cường kiểm tra, giám sát và giáo dục của Liên đoàn Lao động và các cơ quan chức năng của thành phố, tình trạng này đã giảm nhiều trong thời gian qua. Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng trên, nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động, Liên đoàn Lao động đã có nhiều biện pháp để đẩy mạnh việc kiểm tra nhằm hướng các DN chấp hành nghiêm luật lao động…

Tuy nhiên, người lao động, tập thể người lao động cũng phải tự giác tìm hiểu luật để biết, tự bảo vệ quyền lợi của mình trước sự vi phạm luật của người sử dụng lao động. Bà Đinh Thị Thanh Hà, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Dệt- may 29-3 cho biết bí quyết để giữ công nhân của công ty là ngoài các chính sách đãi ngộ, đào tạo và chấp hành các quy định đối với người lao động như luật định thì công tác giáo dục đối với công nhân có ý nghĩa rất quan trọng.

Song, ngoài việc cố gắng của mỗi DN và mỗi người lao động thì cần có sự can thiệp kịp thời, hiệu quả của chính quyền, đoàn thể, nhất là việc kiểm tra của các cơ quan chức năng trong việc chấp hành luật lao động đối với các chủ sử dụng lao động để ngăn chặn, chấn chỉnh những việc làm trái luật, đồng thời phải đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, ưu tiên cho những lao động có tay nghề cao…

Việc lựa chọn các dự án đầu tư vào những ngành mà sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, thù lao trả cho công nhân cao để ổn định đời sống của người lao động có ý nghĩa rất quan trọng trong việc ổn định nguồn nhân lực.

Bài và ảnh: Đức Thịnh

;
.
.
.
.
.