.

Phố hàng su: Đồ không đụng hàng

.

Phố hàng su (khu Trung Tạm, đoạn Hùng Vương-Phạm Ngũ Lão) vẫn tồn tại qua bao biến động của thị trường, dù hàng loạt mặt hàng, chất liệu mới, hiện đại ra đời, thì những món hàng tái chế từ lốp và ruột xe cũ vẫn khó bị soán ngôi trong suốt vài chục năm nay. Từ món đồ thông dụng của ông xe ôm đến những thứ các nhà sản xuất “bó phép”, lẫn những mặt hàng được giới thanh niên mê thời trang ưa chuộng đều có mặt ở nơi này.

Nghề “người nhà”

Chỉ với con dao thô mộc, người thợ có thể xẻ từng lốp su khổng lồ để ra những sản phẩm cần độ tinh xảo.

Không hiểu vì lý do gì, nghề nào cũng có thợ học việc, riêng nghề chế đồ su lại hầu như chỉ có cha truyền con nối. Vì thế mới có chuyện, nguyên con phố hàng su có tất thảy 6, 7 tiệm thì cả người đứng bán, người làm hàng đều là người nhà, hoặc chí ít cũng là họ hàng gần xa. Những người đang tiếp tục làm su tại đây đều có thâm niên từ 30-40 năm trong nghề.

Ông Từ Trường Việt, chủ tiệm Kim Anh, và chị gái cũng trải qua từng ấy năm làm su, nhưng không thấm vào đâu khi so lại quãng thời gian gia đình, đặc biệt là người cha quá cố đã một thời là thợ su nổi tiếng. Ông Tôn Thất Hải (23B Phạm Ngũ Lão) cũng kinh qua nghề su gần 30 năm nhờ cha và ông ngoại truyền lại. Đến những anh thợ 8X cũng biết nghề nhờ cha, chú mà ra.

Những anh thợ su phải có một sức khỏe tốt để làm được việc. Từng lốp su cao gần gấp 2 người bình thường, nặng tới mức hơn 10 người đỡ mới nổi, nhưng chỉ cần dùng con dao lọt lòng bàn tay, họ có thể xẻ chúng thành từng mảng nhỏ. Ông Hải nói: “Có thế là cắt được hết. Thêm vào đó, làm su mà không có sức khỏe thì coi như bó tay”. Khách hàng lui tới khu đồ su chủ yếu là nam giới nhưng cũng tỏ ra bái phục trước sức mạnh của những người thợ nơi này.

Đồ nghề của thợ su chẳng có gì gọi là “bí kíp” ngoài dao bầu, dao 3 số, đục lá, máy nhấn… Ấy vậy mà phải mất khoảng hai năm được trực tiếp cầm tay chỉ việc, một thợ trẻ mới có thể sử dụng thành thạo những đồ nghề đó để tỉa tót ra sản phẩm ưng ý.

Sản phẩm: Thượng vàng, hạ cám

Cần dây su buộc hàng, tới đây sẽ có. Cần phụ tùng cho chiếc xe, cái máy đã “quá đát”, tới đây chế ngon ơ. Đôi lúc, những công trình cầu đường lớn, khi cần đến đây cũng có mặt hàng roăng đệm khớp nối cầu. Đặc biệt, nơi này bày bán đầy rẫy dép râu (dép bộ đội) tưởng phục vụ cho dân chuyên đi rừng. Ai dè, theo những người bán hàng: “Thanh niên thành phố mới khoái loại dép này. Một đôi dép râu có giá không rẻ, gần 100 nghìn đồng nhưng được cái bền và là lạ giữa bao nhiêu đồ hiệu”.

Tất cả sản phẩm trên đều có “gốc tích” từ những chiếc lốp cũ được mua từ nhiều nơi tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Loại lốp Mỹ, Nhật tồn kho được cho là chất lượng tốt nhất và làm ra sản phẩm có độ bóng đẹp, bền. Nhưng nếu loại lốp đó khan hiếm dần thì giới kinh doanh tại đây cũng không tỏ ra lo lắng bởi “việc giao thương bây giờ diễn ra hằng ngày, không có cái này sẽ có cái khác”, một thợ nói.

Dép râu (dép bộ đội) được thanh niên ưa chuộng vì tính “thời trang” của nó.

 

Hiện nay, một thợ su thạo nghề thu nhập mỗi ngày trung bình 200 nghìn đồng. Tuy vậy, không nhiều thanh niên tỏ ra tâm huyết để đeo đuổi nghề nghiệp này. Tỉ mẩn để gọt cho tròn trịa miếng đệm chân ghế hình hột xoài giá 5.000 đồng/cái, mất cả chục phút. Nếu dùng su đúc sẽ làm nhanh và được số lượng lớn hơn, nhưng miếng đệm sẽ giòn, cứng, chất lượng kém xa so với hàng thủ công cắt từ su “rin” nên để giữ khách, người thợ phải đặt sự kiên trì lên trên hết.

Làm đồ su là một nghề thủ công. Nhưng so với trước đây, tính thủ công của những người thợ ngày nay đã giảm bớt phần nào. Ông Tôn Thất Hải cho biết: “Mấy mươi năm trước, thợ su rất hiếm vì không phải ai cũng có sẵn tay nghề. Bất kể sản phẩm nào, từ bạt ghe tàu đến phụ tùng xe hơi đều được sử dụng duy nhất con dao để làm.

Thế nên, phải mất cả ngày trời mới hoàn thành hai tấm bạt vài chục centimet. Giá tiền công do đó cũng khá cao”. Bây giờ, cánh thợ trẻ không phải vì giỏi hơn người xưa để có thể làm được nhiều gấp 5 lần trong cùng khoảng thời gian ấy, mà nhờ sự hỗ trợ của một số máy móc thô sơ.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.