(ĐNĐT) - Theo báo cáo của SCIC, tiền lương hàng tháng của lãnh đạo SCIC năm 2008 là 49,3 triệu đồng/tháng, sau khi nộp thuế, số tiền thực lĩnh là 36,4 triệu đồng/tháng, thấp hơn nhiều so với con số Kiểm toán Nhà nước công bố
>> Bộ Tài chính trả lời các vấn đề liên quan đến SCIC
Ảnh minh họa |
Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa có văn bản gửi các cơ quan báo chí giải trình một số nội dung liên quan đến kết quả kiểm toán năm 2008 của Kiểm toán Nhà nước tại SCIC.
Văn bản dài 7 trang do Phó Tổng Giám đốc SCIC Hoàng Nguyên Học ký, đề cập đến vấn đề thu nhập và tiền lương của lãnh đạo SCIC năm 2008; về Công ty Hàng không Cổ phần Jestar Pacific Airlines (JPA); về công tác quản lý tài sản, nguồn vốn, doanh thu và chi phí của SCIC..
Về thu nhập và tiền lương của lãnh đạo SCIC năm 2008, SCIC cho rằng mức thu nhập của lãnh đạo SCIC là 78,5 triệu đồng/tháng như báo cáo của Kiểm toán Nhà nước là tổng thu nhập chưa nộp thuế, bao gồm tiền lương và một số khoản khác như: tiền lương hàng tháng năm 2008 là 49,3 triệu đồng; tiền lương, tiền thưởng trong quỹ lương năm 2008 do quỹ lương được điều chỉnh tăng thêm do hoàn thành vượt kế hoạch 63% là 15,7 triệu đồng; các khoản lương năm 2007 trả vào quý I/2008 là 5,8 triệu đồng; các khoản chi không nằm trong lương và chi từ quỹ khen thưởng, phúc lợi.
Theo SCIC, tháng 7-2009, tổng công ty đã cắt 100% tiền lương, thưởng trong quỹ lương và cắt 100% tiền làm thêm giờ của năm 2008. Như vậy, tiền lương hàng tháng của lãnh đạo SCIC năm 2008 là 49,3 triệu đồng/tháng (lương kế hoạch được duyệt là 40 triệu đồng/tháng); sau khi nộp thuế, số tiền thực lĩnh là 36,4 triệu đồng/tháng.
Đối với các thành viên HĐQT kiêm nhiệm tại SCIC, năm 2007, HĐQT của SCIC có hai thành viên kiêm nhiệm là ông Cao Viết Sinh (Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và ông Đỗ Hữu Hào (Thứ trưởng Bộ Công Thương); năm 2008 đến nay, thành viên kiêm nhiệm là ông Vũ Văn Ninh (Bộ trưởng Bộ Tài chính), ông Trần Xuân Hà (Thứ trưởng Bộ Tài chính), ông Cao Viết Sinh (Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và ông Đỗ Hữu Hào (Thứ trưởng Bộ Công Thương).
Các thành viên này không có lương mà chỉ nhận phụ cấp theo chế độ: năm 2007 là 1.421.550 đồng sau khi trừ thuế thu nhập cá nhân 157.950 đồng; năm 2008 đến nay là 2.187.000 đồng sau khi trừ thuế thu nhập cá nhân 243.000 đồng.
Trong văn bản, SCIC thừa nhận thiếu sót vì chưa báo cáo cho Liên bộ Tài chính - Lao động Thương binh và xã hội về sự thay đổi nhân sự, con số lao động thực tế hoạt động tại doanh nghiệp thấp hơn kế hoạch 5% để điều chỉnh quỹ lương cho phù hợp. Tuy nhiên, sau khi Kiểm toán Nhà nước có ý kiến, SCIC đã điều chỉnh giảm quỹ lương năm 2008 là 3,8 tỷ đồng.
Về việc chi trả tiền lương cho lãnh đạo Công ty Hàng không Cổ phần Jestar Pacific Airlines (JPA), SCIC cho biết đã thuê Công ty tư vấn Mercer xây dựng bảng lương và chế độ đãi ngộ trong công ty trên cơ sở kế hoạch kinh doanh năm 2008-20009 có lãi dự kiến 9-27 triệu USD. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, công ty thua lỗ, nhất là sau khi thực hiện nghiệp vụ hedging nhiên liệu (mua trước nhiên liệu máy bay).
Trước tình hình trên, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc SCIC đã lập tức làm việc với lãnh đạo Qantas để tìm biện pháp khắc phục. Đồng thời, yêu cầu Jetstar Pacific cắt giảm mạnh chi phí, tiền lương thông qua việc cắt giảm nhân sự nước ngoài, giảm biên chế không cần thiết.
Đến nay, Jetstar Pacific đã giảm số cán bộ quản lý chủ chốt người nước ngoài từ 12 người xuống còn 5 người. Trong thời gian tới, sẽ đàm phán cắt giảm 25%-50% thu nhập của người lao động nước ngoài và yêu cầu đối tác nước ngoài (Qantas) hỗ trợ chia sẻ chi phí tiền lương để trả cho các vị trí do Qantas giới thiệu sang làm việc tại Việt Nam. Theo ước tính, các biện pháp trên đã tiết kiệm cho hãng 1,5 triệu USD trong năm 2009. SCIC cũng chỉ đạo phía JPA kiểm điểm nghiêm túc và làm rõ trách nhiệm đối với cá nhân có liên quan đến chuyện lỗ tại hãng, để trên cơ sở đó SCIC báo cáo Chính phủ.
Tính đến 31-8-2009, SCIC đã thực hiện bán vốn nhà nước tại 202 doanh nghiệp, thu về 942,7 tỷ đồng (trung bình đạt 2,32 lần so với mệnh giá). Riêng trong năm 2008, mặc dù thị trường chứng khoán suy giảm gần 70%, nhưng SCIC vẫn hoàn thành bán vốn nhà nước tại 69 doanh nghiệp, thu về giá trị gấp 1,7 lần so với mệnh giá. |
Đà Nam