.
THANH NIÊN DÙNG HÀNG VIỆT

Dùng hàng Việt là thói quen

.

Thanh niên đang được xem là “khách hàng VIP” của thị trường hàng Việt. Nhưng để họ không chỉ dùng mà còn hiểu, biết nhiều hơn về hàng Việt, cần đến sự nỗ lực của cả xã hội.

Hàng Việt đã đánh trúng thị hiếu người trẻ

Màu sắc tươi trẻ, kiểu dáng phong phú, lạ mắt, hàng Việt đang đánh trúng vào thị hiếu của giới trẻ trong nước.

Khi được hỏi, nhiều bạn trẻ đã khẳng định, có đến 90% đồ dùng của họ như áo quần, giày dép, túi xách, các mặt hàng hóa mỹ phẩm... là hàng Việt Nam. Thực tế, dùng hàng Việt đã trở thành thói quen, nhưng lâu nay giới trẻ ít khi để ý đến.

Hiện nay, phần lớn nhu cầu mua sắm của thanh niên vẫn diễn ra tại những chợ lớn trong thành phố như chợ Hàn, Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng, chợ Hòa Khánh... Ở đây, hàng Việt đang chiếm ưu thế hơn hẳn so với hàng của các nước khác (nhất là hàng Trung Quốc). Qua tìm hiểu được biết, hàng Việt thu hút giới trẻ không chỉ ở giá cả phải chăng mà quan trọng hơn, đã đánh trúng tâm lý và nhu cầu của họ.

Dọc qua các chợ mới thấy được hàng trong nước rất chú trọng đến màu sắc tươi trẻ, kiểu dáng đẹp - lạ, đi kèm đó là thế giới hàng phụ kiện rất phong phú. Trịnh Hoài Anh, SV Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết: “Hàng Việt bây giờ mẫu mã đẹp, hợp mốt, lại phong phú nữa nên sinh viên tụi em vẫn ưu tiên dùng”.

Không chỉ tại trung tâm thành phố, mà hàng Việt khi về các vùng ngoại ô đã bán rất chạy, hầu như chiếm lĩnh thị trường ở đây. Giở cho chúng tôi xem một loạt các mặt hàng được lấy từ TP. Hồ Chí Minh về, chị Huỳnh Thị Ly, buôn bán tại chợ Cầu Giăng, xã Hòa Nhơn nói: “Hơn 2 tháng nay tôi toàn nhập hàng từ TP. Hồ Chí Minh, hàng sản xuất tại Đà Nẵng cũng có.

Đắt hơn một chút so với hàng Trung Quốc, nhưng bán chạy hơn”. Cầm trên tay chiếc quần thun vừa ý, chị Đinh Thị Quyên (32 tuổi) ở Thạch Nham Đông, Hòa Nhơn khẳng định: “Ở đây, chúng tôi chỉ mua hàng Việt Nam thôi. Hàng Việt Nam dùng tốt mà”.

Tuy nhiên, dù việc dùng hàng trong nước đã trở thành thói quen đối với giới trẻ nhưng họ vẫn còn khá mù mờ đối với hàng Việt, nhất là những mặt hàng chất lượng cao. Chính vì vậy, khi cần đến thương hiệu, sự bảo đảm về chất lượng, giới trẻ vẫn có tâm lý tìm hàng ngoại nhiều hơn. “Đồ bình thường em vẫn mua ở chợ, nhưng thỉnh thoảng em vẫn gửi bạn ở Singapore mua dùm áo dù đắt hơn chút nhưng là hàng hiệu chính hãng”, một bạn trẻ cho biết.  

Cần quảng bá hàng Việt cho giới trẻ

Bà Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc Siêu thị Intimex cho biết: “Hiện nay sức mua giữa hàng ngoại và hàng nội ngang ngửa nhau. So với hàng cùng chủng loại của các nước trong khu vực châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, hàng trong nước đã có thể cạnh tranh được. Ví dụ, về sữa tắm chúng ta đã có những sản phẩm cao cấp, có tiếng như Romano, Enchanter, hàng nhựa thì có Đại Đồng Tiến, bánh kẹo có Kinh Đô...

Nhưng điều cơ bản là không mấy người trẻ quan tâm, biết đến những thương hiệu đó. Qua tìm hiểu và quan sát, chúng tôi nhận thấy, với phần lớn khách hàng trẻ thương hiệu chỉ là một phần, thu nhập và xu hướng mốt ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ nhiều hơn. Đây chính là lợi thế  để hàng Việt tận dụng nhằm mở rộng thị trường trong nước”.

Do khâu quảng bá hạn chế nên giới trẻ trong nước phải chịu thiệt thòi khi chưa được tận hưởng những mặt hàng cao cấp “made in Vietnam”. Anh Nguyễn Anh Hải (28 tuổi) ở Hải Châu chia sẻ: “Khi làm ra tiền, bản thân  tôi cũng muốn được dùng hàng cao cấp, có thương hiệu. Lựa chọn duy nhất là vào shop nhưng chắc gì mua được hàng chính hiệu 100%. Chính vì vậy, chúng tôi sẵn sàng dùng hàng cao cấp trong nước. 

Nhưng tìm ở đâu? Thương hiệu gì? Tôi được biết, chúng ta có thương hiệu áo sơ-mi An Phước, mẫu mã, chất lượng không thua gì hàng hiệu nước ngoài nhưng đã mấy ai biết để mua?”. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng đến việc quảng bá sản phẩm của mình.
 
Ông Phan Quang Cả, Phó ban quản lý chợ Cồn nói: “Ở đây là trung tâm mua bán lớn của thành phố, nhưng tôi chưa thấy có doanh nghiệp nào tận dụng điều này để  đứng ra tổ chức các buổi quảng bá sản phẩm cho người tiêu dùng biết. Bây giờ phải giới thiệu hàng trong nước để nó trở thành mặt hàng quen thuộc với người dân”.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.