.
THỊ TRƯỜNG HÀNG MÙA ĐÔNG

“Nóng” trong cái lạnh

.

Lạnh sớm hơn mọi năm và chỉ mới đợt lạnh đầu tiên, nhưng nhu cầu dùng các hàng chống lạnh tăng vọt. Hàng mới tung ra thị trường nhiều, hàng tồn của các mùa trước cũng không ít, tùy theo túi tiền, sở thích, hầu như ai cũng mua được thứ mình cần.

Shop đắt, chợ rẻ

Nhiều người thích chọn áo ấm đã qua sử dụng tuy cũ, nhưng tốt.

“750 ngàn một chiếc áo ấm, ở đây không trả giá đâu em ạ, nếu thích thì chị bớt cho 5-10 ngàn thôi”, chị Hồng, một nhân viên bán quần áo tại cửa hàng thời trang trên đường Phan Châu Trinh nói với khách. Sau một hồi săm soi cả chục mẫu áo ấm, một khách hàng chỉ tay vào cái áo ba-đờ-xuy màu đen, chất liệu bằng len, hỏi: “Bao nhiêu chị?”, “1,2 triệu, không bớt, hàng nhập từ Hồng Kông”. Nghe hô giá, khách lẳng lẳng rút lui.

Nhìn chung, hiện nay kaki và dạ là chất liệu được ưa chuộng hơn cả. Nhiều kiểu áo bắt mắt, phong cách trẻ trung, nhất là áo ấm dành cho phái nữ. Áo khoác ấm năm nay có mức giá cao ngất ngưởng, một chiếc áo khoác dạ dành cho nữ thấp nhất 750.000 đồng, cao nhất 2 triệu đồng. Áo khoác (vải gió chống cháy) dành cho nam giới lên tới 1,2 triệu đồng/chiếc; áo len Hàn Quốc dành cho nam 750.000 đồng/chiếc.

Trong khi đó, áo chợ (chủ yếu hàng Trung Quốc) giá chỉ từ 150– 350 ngàn đồng, ít có áo 500 ngàn đồng. Các kiểu áo khoác dài được các chị em ưa chuộng, còn các loại áo len mỏng, hàng dệt kim vẫn bán chạy.
 
Áo len năm nay đa dạng về kiểu dáng và màu sắc, khoảng 130–300 ngàn đồng/cái. Áo khoác len dệt kim giá phổ biến từ 110–250 ngàn đồng/cái. Chị Hoa, một người bán lâu năm ở chợ Hòa Khánh giải thích: “Nguồn hàng thì lấy cùng chỗ, nhưng bán ở nơi thuê mặt bằng với giá cao, người ta phải bán giá cao. Còn người bán lẻ ở chợ, cửa hàng bình thường hoặc trong hẻm thì chỉ lời một ít là được”.

Càng rét, càng đắt

Tối về, trên các con đường, áo ấm dạo vẫn là sự lựa chọn của nhiều khách hàng.

 

Nhiều tiểu thương cho hay, từ mùa hè, họ đã đặt hàng từ Sài Gòn, Hà Nội nhập về chuẩn bị cho mùa đông. Tuy nhiên, dù có bán chạy đến mấy, người bán cũng không dám nhập nhiều vì sợ thời tiết… thất thường. Chị Mai (hàng quần áo, đình 5 chợ Cồn) cho biết:

“Mỗi năm, thị trường quần áo có thêm nhiều mẫu mã mới, càng lạnh càng bán nhanh. Nhưng không lường hết thời tiết, như mùa đông năm 2005-2006, mấy chị em đua nhau nhập hàng về, cuối cùng trời nắng chang chang, hàng tồn tới cả năm sau cũng chưa bán hết”. Năm nay, người bán quần áo các chợ áp dụng kiểu bán “cuốn chiếu”, hết tới đâu lấy tới đó.

Tuy vậy, gần hai tuần nay, hàng mùa đông trở nên sôi động hơn các mùa khác, kể cả mùa khuyến mãi. Đông đúc người ra vào dựng xe trên dưới lòng đường để tấp vào 3 cửa hàng chuyên bán đồ phụ kiện mùa đông trên đường Lê Duẩn, nhất là cửa hàng Hoa Giáo.  “Ở đây không nói thách đâu, mấy chị cứ theo giá niêm yết mà mua”, cô gái bán hàng trả lời.
 
Khăn quàng cổ, mũ len, găng tay, tất chân, tấm nệm mini… đa dạng về kiểu cách cũng như giá cả. So với cùng thời điểm mùa đông 2008, giá các mặt hàng có tăng, nhưng chỉ vào khoảng 10-20%. Riêng các loại quần áo tại các shop giá bị đẩy lên tăng gấp 3-4 lần so với giá trị thực của nó. Chẳng hạn, cũng cái áo ấm cùng kiểu với chất liệu vải dạ, tại shop A bán 750 ngàn đồng, nhưng tại một quầy ở chợ, giá chỉ từ 150-250 ngàn đồng.

“Nhu cầu ăn mặc thì cả năm, nhưng mùa lạnh tới, dù sao cũng phải mua để mặc tránh rét, chứ như năm ngoái cứ hẹn tới hẹn lui, chờ gần Tết ra mẫu đẹp mới mua. Không ngờ rét kéo dài tới sau Tết, áo ấm đẹp người ta bán hết, không còn mà mua”, chị Thu Vân (nhà ở tổ 20, phường Bắc Mỹ An) nói.

Cũng theo thông tin của tiểu thương các chợ trung tâm, nếu rét kéo dài, quần áo ấm sẽ tiêu thụ mạnh vào dịp cuối năm, nếu không chuẩn bị trước, lúc đó kể cả hàng tồn, hàng không đẹp, khi có nhu cầu cao, tăng giá là điều khó tránh khỏi.

Mách nhỏ khi mua đồ ấm:

Hiện nay, các cửa hàng, các quầy sạp tại các chợ đều rất ngại nói sản phẩm có xuất xứ của Trung Quốc mà thường hay nói là của Sài Gòn hoặc Hà Nội để “tránh tiếng”.

Có thể khi mua xong, người bán sẽ yêu cầu khách hàng cho xin lại nhãn mác, dây treo in thương hiệu hàng hiệu rồi thối lui 10 ngàn đồng, để lại tiếp tục treo vào chiếc áo (quần) khác. Để tránh phải mua nhầm hàng Trung Quốc mang mác “made in Việt Nam”, Hàn Quốc... cần xem chất liệu vải và chỉ dẫn nhỏ trên các đường viền, lai quần (áo).


Bài và ảnh: Duyên Anh

;
.
.
.
.
.