.

Bí chỗ may đo

.

(ĐNĐT) - Ngay thời điểm này, nếu ai lùng được một tiệm may còn chịu nhận vải của khách thì phải gọi là quá giỏi. Dù quần áo may sẵn tràn ngập thị trường, các cửa hàng may thủ công vẫn như đang ở “thời hoàng kim rực rỡ”

Trả công bao nhiêu cũng lắc đầu

Trước Tết 1 tháng, từ tiệm may có thương hiệu trên phố đến những tiệm may nhỏ trong hẻm kiệt đều chốt sổ nhận hàng.

Khách chấp nhận trả tiền công gấp nhiều lần, thợ may vẫn không nhận thêm hàng

Chủ tiệm Loan (Trần Cao Vân) cho biết đã hết nhận may từ… mấy tháng trước. Nếu khách trả tiền công gấp đôi, gấp ba, nhà may cũng đành chịu. “Không phải vấn đề tiền bạc, sợ làm không kịp thôi”, chủ tiệm Anh Tiên (Hoàng Diệu) nói. Hiếm hoi có nơi vì nể người thân quen nên nhận vải vào thời điểm này, nhưng không quên kèm lời hứa: “Sát Tết mới có đồ”.

Đến hẹn lại lên, tầm hai, ba tháng trước Tết, thợ may phải cật lực chạy nước rút cho mùa may đo. “Nghề may “sống” được vào mùa Tết, nhưng nhiều khi thợ may cũng kiệt sức vì mùa Tết”, một người thợ nói. Vẻ mặc hốc hác, đôi mắt đỏ kè vì thức đêm liên miên, làm việc liên tục 20 giờ/ngày vào giai đoạn cao điểm là chuyện không hiếm xảy ra đối với những người làm nghề này.

Dù chỉ là một tiệm may nhỏ trong hẻm nhưng ông Khánh, chủ tiệm may Khánh (đường Trần Cao Vân), cũng cố cày ngày đêm mới hy vọng đáp ứng hết yêu cầu của khách. Ông nói: “Trung bình từ đây đến Tết còn tới 70 cái đồ (áo, quần) nữa, làm đêm, làm ngày đến vẹo cả xương sống”.

Tất bật làm việc, đến khi ngẩng lên thì Tết đã đến nơi rồi. Thế nên, quanh năm lo đồ đẹp cho khách, bản thân chủ tiệm may có khi lại chẳng còn sức sắm cho mình bộ áo quần mới nào đón Tết.

Hàng vải hết khách 

Khi tiệm may khóa sổ, người buôn vải gần như cũng thực sự nghỉ Tết. Ngược với cảnh buôn bán tấp nập của nhiều mặt hàng trong chợ, hàng vải vắng vẻ, trống trải khác thường. Với những cửa hàng vải nhỏ lẻ, từ Noel, nhiều người đã không dám nhập thêm hàng về. Tại các chợ lớn, người bán tranh thủ sắp xếp lại đống hàng tồn hoặc chỉ biết ngồi rung đùi đợi mót được đồng nào hay đồng nấy.
 
Ngược với cảnh buôn bán tấp nập trong chợ, hàng vải vắng vẻ người mua

“Chừ thì gần như hết buôn bán chi rồi. Ngồi đây để thu nợ thôi. Nếu còn người đi mua vải thì chắc chắn đó là người nhà của thợ”, chị Út, chủ tiệm vải tại chợ Cồn, cho biết. Cũng tại chợ Cồn, chị Lê Thị Mai cho hay, hiện tại cũng còn bán được vài xấp vải mỗi ngày, nhưng bán cho đối tượng khách lớn tuổi mua… để dành.
 
Trong khi đó, theo chủ tiệm vải Thanh Tuyền: “Lẽ ra không đến nỗi ế ẩm thế này. Chẳng qua hiện nay thợ may khá “mánh” nên tự nhập vải về bán trực tiếp cho khách hoặc họ làm eo để khách nếu muốn được may đồ trong lúc này phải mua vải ngay tại tiệm”.

Thu Hoa

;
.
.
.
.
.