.

Cái “bắt tay” của những ông chủ trẻ

.

Những ngày giữa tháng 1-2010, lần đầu tiên Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng ra mắt Ngày hội Giới thiệu sản phẩm của doanh nhân trẻ. Đây không chỉ là một hoạt động xúc tiến thương mại thường niên, mà đằng sau đó, những cái bắt tay liên kết của những doanh nhân trẻ đã mở ra nhiều hướng làm ăn mới.

Ông Võ Duy Khương (thứ hai từ phải qua), Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố thăm các gian hàng của doanh nhân trẻ. 

25 gian hàng trưng bày sản phẩm, thoạt mới nhìn vào ai cũng nghĩ không khác gì một hội chợ nhỏ với đủ loại hàng hóa và dịch vụ thương mại. Từ lĩnh vực xây dựng và trang trí nội thất, dệt-may, da giày, ô-tô, điện - điện tử, điện lạnh, tin học, đồ uống, đến dịch vụ ngành ảnh, in ấn, thực phẩm, bảo hiểm, du lịch, giáo dục… đều có mặt.  Những hoạt động bên lề như văn hóa văn nghệ, giao lưu, tạo ra sự vui tươi, hào hứng của những doanh nhân trẻ có dịp hội ngộ với nhau.

Cũng tại đây, nhiều biên bản hợp tác sử dụng sản phẩm của nhau được ký kết. Có những doanh nghiệp đã nổi tiếng như Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ, Công ty ô-tô Trường Hải, DNTN Trần Gia – Nhà hàng Phì Lũ, Công ty CP Máy và thiết bị phụ tùng Seatech, Công ty CP Thạch Bàn miền Trung, Công ty CP Dinco… và cũng có những đơn vị còn khá mới như Cơ sở sản xuất bò khô Sông Hàn, Trường Phổ thông chất lượng cao Sky-Line... đặt vấn đề liên kết cùng nhau. Hầu hết những hợp đồng ký kết đều đưa ra một số ưu đãi nhất định dành cho hội viên như: Công ty CP Kỹ thuật cơ điện Tadico cam kết giá bán giảm 15% theo giá công bố, chiết khấu 3% cho Văn phòng Hội giới thiệu các đơn đặt hàng, giảm 50% chi phí nhân công lắp đặt, miễn phí vận chuyển trong phạm vi thành phố Đà Nẵng. Công ty Thạch Bàn miền Trung, ngoài việc giảm giá từ

10 - 15% đối với các sản phẩm cho đơn vị là hội viên, còn trích thêm 2% mỗi giá trị hợp đồng sau khi thực hiện xong với các hội viên và những ưu đãi bổ sung khác. Công ty CP Bình Vinh đã có thêm khách hàng cung cấp nước uống, sản phẩm hàng may mặc thời trang Hòa Thọ, giày BQ, cũng như các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ giáo dục, đào tạo khác, đã tìm nguồn cung nhu cầu cho các bên.

Ông Phan Hải, Giám đốc Công ty TNHH BQ khẳng định: Sự hợp tác và hỗ trợ giữa các DN với nhau thể hiện tinh thần ủng hộ hàng Việt. Theo đó, khi sử dụng sản phẩm của mỗi nhà sản xuất trên địa bàn Đà Nẵng, chính DN đó đang làm gương cho nhân viên của mình và cho cả cộng đồng DN. Tuy nhiên, việc chọn  hàng Việt phải bảo đảm những yêu cầu cạnh tranh, phải dựa trên những tiêu chí nhất định. Nếu cùng một chủng loại hàng hóa, nhưng hàng hóa của DN trong nước có chất lượng tương đương với hàng ngoại, thì nên hỗ trợ cho hàng Việt. Ngược lại, không nên hô hào các DN ủng hộ hàng Việt của nhau mà bỏ qua yếu tố chất lượng, giá thành…

Có lẽ, từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hầu hết các DN (nhất là DN hoạt động xuất khẩu) nhận ra việc làm ăn ngày nay không thể “một mình một ngựa”. Sáng kiến sử dụng sản phẩm của nhau bước đầu giúp các doanh nhân trẻ xây dựng sự gắn kết nhất định, để nắm tay nhau cùng phát triển.

Bài và ảnh: Duyên Anh

;
.
.
.
.
.