.

Dịch vụ cho thuê xe tự lái: Càng ngày càng đắt

.

Hiện nay, nhiều cơ sở cho thuê ô-tô tự lái đã không nhận khách thuê xe vào các ngày từ 30 tháng Chạp năm Kỷ Sửu đến mùng 6 tháng Giêng năm Canh Dần, dù còn gần một tháng nữa mới đến Tết.

“Căng” xe ngày lễ, Tết...

Chủ xe chỉ an tâm khi tự mình kiểm tra độ an toàn và chất lượng của xe trước khi giao cho khách.

Anh Trần Tuấn Nhật, chủ cơ sở cho thuê xe tự lái ở nhà số 187 Dũng sĩ Thanh Khê cho biết, dù giá thuê xe vào các ngày trên tăng gấp rưỡi, gấp đôi, nhưng nhiều khách hàng đã nhanh chân làm hợp đồng thuê xe từ một tháng trước. Anh giải thích: “Nhiều công chức, người làm ăn dùng một phần tiền tích lũy cả năm để vui chơi, du xuân, đưa gia đình về quê... nên dù giá cao chút, họ vẫn chấp nhận”.

Không riêng dịp Tết, mà theo một nhân viên của Công ty TNHH TM-DV Năm Mười (đường Nguyễn Chí Thanh), những ngày nghỉ cuối tuần, lễ lớn, hoặc ngày có nhiều đám cưới..., các nhà xe đều “kẹt” vì nhu cầu thuê xe quá lớn. “Bình thường, mình có thể gom xe ở nhiều cơ sở khác nếu cần. Nhưng tới ngày cao điểm, ai cũng để xe cho thuê, thành ra có khách mà không đủ xe cho thuê”, nhân viên này nói.

Anh Nhật cho rằng, người học lái xe ngày càng nhiều, mà giá các loại xe phổ thông đều có mức từ 500 triệu đồng/chiếc trở lên, nên phần đông người biết lái ô-tô chọn giải pháp thuê xe để tiết kiệm chi phí và “rèn” tay lái. Các công ty TNHH hoặc công ty nước ngoài đầu tư vào Đà Nẵng cũng là khách hàng thường xuyên của anh. “Thay vì bỏ ra 500 triệu đến 1 tỷ đồng mua xe, người ta có thể lấy tiền đó đầu tư vào mục đích khác mà không phải vay nợ ngân hàng, không phải trả lương và quản lý thêm một nhân viên lái xe”, anh Nhật nói. Theo đó, các công ty có thể thuê xe theo tháng với mức giá 15-17 triệu đồng/tháng. Với giá này, trong giờ hành chính mỗi ngày, khách yêu cầu giờ nào, nhà xe phải đáp ứng ngay giờ đó, và chịu mọi phí tổn về xăng dầu, bảo dưỡng, hao mòn, bảo hiểm...

Vừa cho thuê, vừa lo

Từ 3 năm trở lại đây, càng ngày nhu cầu thuê xe càng lớn, đến nỗi nhiều nhà xe khẳng định, nếu biết cách làm ăn, thì đầu tư xe nhiều cỡ nào cũng kiếm được đầu ra. Nhà xe có thể thu hút khách hàng theo nhiều cách: đăng thông tin trên mạng, liên kết với các công ty vận tải lớn hoặc quan hệ tốt với bạn của những khách hàng thuê xe thường xuyên. Giá cho thuê xe dòng phổ thông 4 chỗ có mức từ 350-500 nghìn đồng/chiếc tùy theo đời xe và chất lượng. Giá thuê xe 7 chỗ, 16 chỗ sẽ tăng dần lên 100 nghìn đồng/chiếc. Các dòng xe đang hút khách, theo anh Nhật, là Toyota Alantic và Vios (loại 4 chỗ), Innova và Toyota (loại 7 chỗ).

Tuy người thuê xe phải để lại CMND, hộ khẩu, và cam kết giữ nguyên trạng chiếc xe khi trả, nhưng không ít chủ xe cũng nhấp nhổm mỗi khi cho thuê, bởi lo sợ người thuê không quen tay lái gây hư hại nhiều, hoặc “mánh” phụ tùng, hoặc “dông” luôn. Cũng vì lý do này mà chị Phương, nhân viên Công ty TNHH Vinh Phương (đường Núi Thành) cho hay, cho thuê xe với tài xế của mình là tốt nhất để bảo đảm an toàn tối đa. Với tài xế, mức giá mà công ty này đưa ra là 500 nghìn đồng/ngày nếu đi trong thành phố và 550 nghìn đồng/ngày nếu đi các vùng lân cận như Quảng Nam, Huế.

Với hạn mức quãng đường xe chạy là 200km/ngày, anh Nhật dùng bộ định vị mà không cần nhìn đồng hồ km vẫn có thể xác định được quãng đường xe đi trong ngày. Để ràng buộc người thuê có trách nhiệm với chiếc xe khi “lỡ” tông cột điện hoặc làm hỏng hóc các chi tiết máy, một chủ xe tiết lộ: “Thường chúng tôi nói người thuê để lại xe máy có giá trị trên 10 triệu đồng. Tuy điều này không có trong hợp đồng, nhưng cả hai đều hiểu ngầm như là một món đồ làm tin”.

Ngoài ra, chủ xe cũng là người lãnh trọn các “món” rác vô tội vạ trên xe. Và sau khi khách trả xe (thường vào buổi tối), chủ xe phải hì hụi lau rửa, chùi dọn.

Bài và ảnh: TRIÊU NHAN


;
.
.
.
.
.