.
Hàng giảm giá cuối năm

Giảm giá hay... thanh lý hàng tồn kho?

.

Cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao nên các nhà sản xuất, nhà phân phối tranh thủ tung ra các chương trình khuyến mại để lôi kéo khách hàng, trong đó có hình thức bán hàng giảm giá. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít các điểm bán hàng giảm giá nhưng thực chất không giảm, thậm chí còn cao hơn những cửa hàng khác.

Giảm giá cuối năm.

Với vô số các cách thức giảm giá, giảm trực tiếp trên sản phẩm từ 10% đến 20%, có khi giảm đến 50%, 70%  giá ghi trên sản phẩm, hoặc mua hàng có quà tặng, các cửa hàng, cửa hiệu đua nhau trưng ra các biển giảm giá khắp nơi. Hầu như tất cả các mặt hàng từ áo quần, giày, dép, chén, ly, túi xách, mũ bảo hiểm giá rẻ… cho đến điện máy, điện lạnh, điện tử, xe máy đều đang nhộn nhịp các chương trình khuyến mãi với giá giảm thật sốc. Theo các nhà sản xuất, nhà phân phối, chương trình giảm giá, khuyến mãi cuối năm là chương trình lớn nhất trong năm. Song thật khó xác định được chất lượng của các mặt hàng bán giảm giá.

Đứng đầu trong các mặt hàng giảm giá là các sản phẩm quần áo thời trang và giày, dép. Trên đường Phan Châu Trinh, Hùng Vương, Lê Duẩn, Nguyễn Thị Minh Khai… đâu đâu cũng thấy trưng biển bán hàng giảm giá. Nhiều cửa hàng còn có các tấm pa-nô lớn in số tiền, mặt hàng được giảm giá. Trong đó, không ít cửa hàng thực hiện “siêu” giảm giá nhằm thanh lý hàng tồn cuối năm. Bên cạnh những chương trình khuyến mại thực, người tiêu dùng cần cảnh giác với những chiêu khuyến mại chỉ với mục đích “móc túi” khách hàng.

Chị Quỳnh Trang vui vẻ khoe bộ áo quần mình vừa mua được tại một cửa hàng giảm giá trên đường Phan Châu Trinh, song khi nhìn thấy giá của bộ áo quần y hệt được niêm yết giá thấp hơn ở cửa hàng bên cạnh thì chị mang hàng trở vào trả lại, nhưng không được nhân viên bán hàng đồng ý. Bà Nguyễn Thị Thương mua một đôi giày giảm giá ở một siêu thị nhưng khi đem so với giá ngoài chợ lại cao hơn. Không ít người vì ham giá rẻ mà mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Một cán bộ quản lý chợ cho rằng, giáp Tết là thời điểm hàng lậu, hàng nhái đổ về nhiều nhất. Do vậy, một số cửa hàng trà trộn hàng giả với hàng thật rồi tung ra giảm giá, khuyến mãi để “móc túi” người tiêu dùng. Trên thực tế, nhiều cửa hàng treo bảng giảm giá cực sốc nhưng thực ra chỉ giảm giá ở mức rất nhỏ, không đáng kể. Thậm chí có nơi nâng giá sản phẩm lên rồi quảng cáo giảm giá.

Trước tình trạng thị trường đang lộn xộn việc bán hàng giảm giá, người tiêu dùng cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định chọn mua hàng hóa. Đồng thời khi mua hàng, cần tham khảo giá nhiều nơi, vì một số cửa hàng nắm được tâm lý người mua thường thích được khuyến mãi nên đưa ra các chiêu quảng cáo, khuyến mãi thật ấn tượng.

Tháng 4-2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Theo đó, cấm mọi hành vi quảng cáo, khuyến mãi gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Dù vậy đến nay, xem ra quy định này vẫn chưa phát huy tác dụng.

Bài và ảnh: Phương Uyên

;
.
.
.
.
.