.

Hội chợ hay chợ... vỉa hè?

.

Chuyển giao cho đối tác là Công ty CP Thương mại Nguyễn Kim Đà Nẵng từ tháng 7-2009, Công ty CP Bài Thơ như vừa trút bớt gánh nặng mặt bằng tại Siêu thị Đà Nẵng (còn gọi Siêu thị Bài Thơ). Vừa tiếp quản chưa lâu, Nguyễn Kim đã tổ chức một chương trình bán hàng phục vụ Tết được xem là khá ăn khách, nhưng không thiếu sự bừa bộn, nhếch nhác trước mặt tiền một siêu thị trung tâm thành phố.

Hội chợ, hay chợ vỉa hè?

Diễn ra từ ngày 1-1-2010, Hội chợ Bài Thơ 2010 được tổ chức trong vòng hơn… 40 ngày. Điều đáng nói, Nguyễn Kim là đơn vị tổ chức đã giao lại cho đơn vị khác là Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Công nghệ Thông tin Phúc Hậu (trụ sở tại huyện Đại Lộc, Quảng Nam) đứng ra thực hiện chương trình. Mỗi một cá nhân, đơn vị tham gia bán hàng đều phải đăng ký theo từng tuần, cứ mỗi tuần, nhà tổ chức sẽ thu mức phí theo 3 loại. Gian hàng loại 1: 8 triệu đồng, loại 2: 7 triệu đồng, loại 3: 6 triệu đồng và một số gian hàng có mức trên dưới 5 triệu đồng. Nếu cá nhân, đơn vị kinh doanh nào đồng ý đăng ký gian hàng đến hết thời gian diễn ra hội chợ sẽ được giảm 50% phí mặt bằng trong tuần đầu tiên.

“Ưu tiên dùng hàng Việt” nhưng chất lượng hàng Việt như thế nào thì chỉ có dùng mới biết. 

Nhiều người cảm thấy bất ngờ với kiểu tổ chức khác hẳn các hội chợ trước đây thường được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng.  Mặc dù hàng hóa phong phú, trong đó có đầy đủ cả thực phẩm, may mặc, giày dép, đồ gia dụng, trang sức, ăn uống, vui chơi và giải trí (kinh dị đến mức trẻ con và người lớn đều hết hồn với những hình ảnh ma quái ghê rợn kèm dòng chữ ngoằn ngoèo “oan hồn rợn xác...”), nhưng chẳng khác chợ vỉa hè. Mũ bảo hiểm được bày bán với giá từ 25.000đ đến 40.000đ/chiếc, túi thơm Hàn Quốc, sạc pin Trung Quốc, máy đấm lưng xoa bóp Hàn Quốc, Trung Quốc; áo quần, giày dép chất lượng xuất khẩu… “đại hạ giá”.

Nhà tổ chức lại dễ dãi đến mức cho các gian hàng treo quần áo hết sức phản cảm tại khu ăn uống (bên hông trái siêu thị), bên cạnh đó là những bộ quần áo phụ nữ được trưng ngay trước mặt tiền đường Điện Biên Phủ. Sau một đêm kinh doanh, người ta lại mắc võng ngủ ngay lối ra vào của các gian hàng…

Mua bán lộn xộn, không biển bảng, thương hiệu, một số mặt hàng không có địa chỉ xuất xứ. Khẩu hiệu “Ưu tiên dùng hàng Việt” nhưng lại bán nhiều hàng của Trung Quốc, Hàn Quốc. Thêm vào đó, sự thiếu quản lý của nhà tổ chức nên người bán hàng rong tha hồ “vùng vẫy”. Nhiều người đến đây không khỏi nghi ngại về một chương trình bán hàng “tả phí lù” với tủ kem di động, trò chơi dân gian, ngôi nhà huyền bí, sân khấu ca nhạc… hết sức lộn xộn.

Sẽ kiểm tra và chấn chỉnh

Trước thông tin người dân phản ánh, chúng tôi đã trao đổi với ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công thương thành phố. Ông cho biết: Việc tổ chức chương trình bán hàng phục vụ Xuân Canh Dần 2010 với mục đích chính là làm cho khu mua sắm của Siêu thị Đà Nẵng trở nên đông vui, sầm uất, nhộn nhịp trong dịp cuối năm này. Chúng tôi sẽ chỉ đạo lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra và xử lý những trường hợp không thực hiện đúng quy định của chương trình.

Thành phố tạo điều kiện cho nhà tổ chức một mặt bằng đẹp với nhiều lợi thế cho người kinh doanh, thế nhưng không vì thế mà đơn vị thực hiện lại quá dễ dãi với các đối tác của mình. Đại diện Công ty Phúc Hậu, đơn vị thực hiện chương trình, đã hết sức lúng túng và bị động khi cho biết: Sẽ cho kiểm tra lại toàn bộ những gian hàng, chủ kinh doanh đã được phản ánh để có hướng xử lý, một là tiếp tục chấn chỉnh, hai là cắt hợp đồng với các gian hàng không thực hiện đúng nội quy chương trình.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng hầu như ít kiểm tra hoạt động của đơn vị tổ chức dẫn đến hàng hóa trưng bày không được kiểm soát chất lượng. Và để rồi, một trung tâm thương mại lớn của Đà Nẵng không đẹp hơn mà lại nhếch nhác, không bảo đảm tính văn minh thương mại đang được xây dựng.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.