.

Ngành Công nghiệp vượt qua khó khăn

.

Năm 2009 là năm đầy khó khăn đối với ngành công nghiệp (CN) thành phố. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các DN, sự hỗ trợ tích cực của thành phố, đặc biệt là gói kích cầu của Chính phủ, nên ngành CN đã giữ được sự ổn định trong sản xuất. Mặc dù không đạt được tốc độ tăng trưởng như mong muốn nhưng với việc giữ vững ổn định sản xuất đã là thành công rất lớn.

Công ty Daiwa - đơn vị có 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh, đơn vị có tốc độ tăng trưởng nhanh trong năm 2009. 

Theo số liệu thống kê, năm 2009, toàn ngành đạt giá  trị sản xuất CN 11.336 tỷ đồng, đạt 100,3% KH, tăng 10,1% so với năm 2008. Trong đó CN Trung ương ước đạt 5.296 tỷ đồng, đạt 97,5% KH, tăng 12,2% so với năm 2008; CN địa phương ước đạt 3.969 tỷ đồng, đạt 105% KH, tăng 8% so với năm 2008; CN có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 2.071 tỷ đồng, đạt 99,1% KH, tăng 9,1% so với năm 2008. Một số sản phẩm có sản lượng tăng so với năm 2008 như: thủy sản chế biến tăng 13,3%; bia tăng 4%; sợi tăng 18,3%; vải các loại tăng 20,7%; lốp ô-tô tăng 5,2%; xi-măng tăng 9,2%; thép cán tăng 20,6%; sứ vệ sinh tăng 7,8%; động cơ điện siêu nhỏ tăng 87,8%; nước máy ghi thu tăng 5,4%...

Nhiều DN chủ lực có mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ  như: Công ty CP Cao su Đà Nẵng tăng 13,3%, Công ty CP Dệt-may 29-3 tăng 13,5%, Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước tăng 25%… Tuy nhiên, vẫn có một số ít DN chưa khôi phục hoàn toàn nên vẫn có mức giảm như: Công ty Vinatex Đà Nẵng giảm 30,3%, Công ty CP Công nghiệp hóa chất giảm 19%… Một số sản phẩm giảm mạnh như giày xuất khẩu giảm 43,7%, quần áo may sẵn giảm 7,1%, gạch ốp lát giảm 18,5%, đồ chơi trẻ em giảm 12%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2009 ước đạt 580 triệu USD, đạt 100,5% kế hoạch, tăng 11% so với năm 2008. Trong đó, DN địa phương 170 triệu USD, đạt 97,7% KH, giảm 8,6% so với năm 2008; DN Trung ương 202 triệu USD, đạt 107,4% KH, tăng 13,5%; DN có vốn đầu tư nước ngoài 208 triệu USD, đạt 97,2% KH, tăng 9,2%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ  yếu: Thủy sản 80 triệu USD, giảm 26,5% so với năm 2008; sản phẩm may mặc 160 triệu USD, tăng 9,9%; giày các loại 6 triệu USD, giảm 63,8%; đồ chơi trẻ em 26 triệu USD, giảm 22,3%; hàng thủ công mỹ nghệ 40 triệu USD, tăng 5,2%.

Trong hoàn cảnh kinh tế thế giới bị suy thoái và phục hồi chậm, đạt được kết quả trên là một thành công lớn của nhiều DN. Chẳng hạn như Công ty CP Sản xuất và thương mại Hữu Nghị, với uy tín sẵn có, công ty đã mở rộng thị trường đến các nước vùng Bắc Mỹ, các nước châu Phi. Mặc dù các đơn hàng chưa lớn, nhưng sự thâm nhập bước đầu vào các thị trường mới này đã mở ra cho công ty những triển vọng mới trong các năm tiếp theo.

Công ty CP Dệt-may 29-3 đã có các thị trường mới tại các nước châu Âu, đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa, trở thành một trong số ít DN có tốc độ tăng trưởng cao nhất ngành CN thành phố trong năm 2009 (tăng 13,5% so với năm 2008). Các DN khác như Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước… với việc phát huy hiệu quả các thiết bị đầu tư và sự năng động trong cơ chế thị trường, không những có tốc độ tăng trưởng khá mà còn tìm được nhiều thị trường mới tại các nước nhập khẩu vốn nổi tiếng khắt khe về tiêu chuẩn hàng hóa. Đặc biệt, Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước là một trong số rất ít DN xuất khẩu hàng hóa của thành phố nói riêng và cả nước nói chung có sản phẩm được bày bán trực tiếp tại các siêu thị. Nhờ vậy, hiệu quả kinh tế thu được khá cao, và quan trọng hơn là các sản phẩm đã được người tiêu dùng ở các nước phát triển tin dùng.

Kết quả SXKD của các DN vào những tháng cuối năm cho thấy dấu hiệu sự tăng trưởng sau một thời gian bị chững lại do ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Chắc chắn những bài học, những thành công của các DN trong năm 2009 sẽ tạo niềm tin để các DN bước vào năm 2010 với khí thế mới.

Bài và ảnh: Đức Thịnh

;
.
.
.
.
.