.

Phong phú hàng Tết

.

Giỏ quà gói sẵn với bánh, mứt, rượu, bia, nước giải khát... được trang trí đầy trên các quầy kệ các cửa hàng tạp hóa, siêu thị trên địa bàn thành phố... cho thấy không khí Tết đang tràn về.

DN tung hàng Tết 

Các đại lý đã trữ sẵn nguồn hàng nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. 

Theo Sở Công thương, dự kiến sức mua trên thị trường trong dịp Tết năm nay sẽ tăng khoảng 20% so với năm 2009. Do vậy, các DN đã có kế hoạch dự trữ hàng trăm mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu với tổng giá trị hàng trăm tỷ đồng. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ kinh phí cũng như tạo điều kiện về mặt bằng kinh doanh cho những đơn vị có nhu cầu mở rộng điểm bán hàng, phục vụ nhân dân nội thành và vùng ven của thành phố đã làm cho không khí buôn bán hàng Tết trở nên nhộn nhịp. Các đại lý bán lẻ cho biết, nhà cung cấp đã làm việc với những người bán lẻ từ vài tháng trước, để có kế hoạch phát triển thị trường, tăng doanh thu dịp tốt nhất trong năm.

Các DN đã tung ra nhiều ưu đãi cho đại diện bán hàng của mình. Thấy rõ nhất là việc chiết khấu phần trăm hoa hồng trên mỗi sản phẩm bán ra, kèm theo đó là các hình thức hỗ trợ về giới thiệu quảng bá, trưng bày sản phẩm bắt mắt, khuyến mãi lớn. Một số đại lý bánh kẹo, bia rượu trên đường Trần Phú cho hay: Những nhà cung cấp hàng hóa luôn coi trọng việc chăm sóc đại lý của mình, đưa ra nhiều ưu ái đối với người bán hàng, để sản phẩm của họ phải ở vị trí tốt nhất, đẹp nhất trong mắt người mua. Nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn trong dịp Tết Canh Dần 2010, năm nay, nhiều cửa hàng, siêu thị đã tăng cường số lượng nhân viên bán hàng, chăm sóc khách hàng, quầy tính tiền…

Cho dù hàng hóa tràn ngập trong nhiều ngày qua, nhưng hiện tại sức mua vẫn chưa tăng bao nhiêu. Chị Hồng Anh, chủ cửa hàng bánh kẹo Bibica trên đường Lê Duẩn nói: “Có lẽ do năm nay nhiều mặt hàng tăng giá liên tục, trong khi người lao động chưa có thưởng Tết, nên cũng hạn chế về sức mua. So với thời điểm này năm ngoái, sức mua tại quầy này giảm khoảng 20-30%”.

Không dám rộng tay như trước

Giá cao và thu nhập không tăng là một trong những lý do chính khiến sức mua hàng hóa tăng chậm. Cộng thêm đó, tác động từ khủng hoảng kinh tế thế giới, số công nhân tìm được việc làm “ngon lành” trong các nhà máy, xí nghiệp không còn nhiều như trước, thu nhập vì thế cũng bấp bênh, dẫn đến họ không còn mạnh tay chi tiêu như trước. Chị Tâm, người bán hàng tạp hóa trên đường Phạm Văn Nghị nói rằng: “Những năm trước, cách Tết khoảng một tháng, không khí bán hàng bắt đầu tấp nập. Thế nhưng giờ đây, người bán thì nhiều, người mua cũng ít hẳn. Đã vậy, để có mối mua hàng với số lượng lớn cũng không dễ. Mới 9 giờ tối mà cửa hàng đã phải đóng cửa vì vắng khách”.

Hàng Tết tràn ngập tại các cửa hàng đường Hùng Vương.
Song song đó, tình hình SXKD của nhiều DN không thuận lợi như trước nên việc đặt hàng quà Tết cho nhân viên hay khách hàng cũng giảm hẳn, nếu có cũng không nhiều như trước kia. Chị Tâm cho biết: Cách đây 2 năm, với giỏ quà trị giá 200 ngàn đồng, người bán sẽ gói được trên dưới 10 mặt hàng khác nhau, nhưng hiện tại với khoản tiền đó, muốn giữ khách cũng khó có thể bỏ vào quá 8 món hàng.

Để kích cầu sức mua, nhiều siêu thị, cửa hàng đều có những chiêu thức khác nhau nhằm kéo khách. Ngoài việc cung ứng đa dạng các sản phẩm, nhà bán lẻ còn áp dụng nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi, tặng quà phong phú để thu hút khách. Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều DN, siêu thị thay vì nhập nhiều hàng ngoại như trước, đã chú trọng đến nguồn hàng nội hơn nhằm phục vụ hàng hóa với chất lượng tốt nhất, giá phải chăng như các siêu thị Intimex, BigC, Coop-Mart, các Công ty bánh kẹo Kinh Đô, Vinabico, Bibica, Quảng Ngãi, Tân Tân…

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.