.

Một số ý kiến về triển khai chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

.

Trong thời gian qua, các cấp, các ngành, các DN thành phố Đà Nẵng đang nỗ lực triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Để thực hiện có hiệu quả cuộc vận động, nhân tố quan trọng nhất chính là các nhà sản xuất.

Khách hàng Đà Nẵng và các sản phẩm hàng Việt.  Ảnh: X.DUYÊN 

Các DN trong nước nói chung, DN Đà Nẵng nói riêng, chưa làm tốt việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chưa mạnh dạn đầu tư cho lĩnh vực quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. Vì vậy, UBND thành phố, các ngành chức năng của thành phố cần nghiên cứu các chính sách để hỗ trợ DN đầu tư cải tiến kỹ thuật, mẫu mã, chất lượng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng và quảng bá sản phẩm của mình. Về hoạt động xúc tiến thương mại, Bộ Công thương đã có chương trình ưu tiên cho hoạt động quảng bá sản phẩm hàng Việt, vì vậy Sở Công thương và các Sở chuyên ngành hướng dẫn các DN tranh thủ nguồn kinh phí nói trên từ các Bộ, ngành. Các cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương và Đà Nẵng ưu tiên quảng bá cho sản phẩm của DN thành phố. Cơ quan xúc tiến thương mại và các ngành các cấp tạo điều kiện cho DN tổ chức các đợt khuyến mãi và quảng bá hàng Việt tại các chợ, trung tâm thương mại và các điểm tập trung dân cư.

Đối tượng có vị trí quan trọng trong chương trình là hệ thống các cửa hàng bán lẻ, trong đó, vai trò của các hộ kinh doanh tại các chợ, các đại lý bán lẻ góp phần quyết định cho việc đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng. Các nhà sản xuất cần chuẩn bị các thông tin cần thiết để họ tư vấn, góp phần quảng bá sản phẩm cho người tiêu dùng. Nhà nước và các DN sản xuất tạo điều kiện thuận lợi cho người bán lẻ kinh doanh ổn định để họ tích cực tham gia vào chương trình.

Người tiêu dùng ngày nay đang trở thành “người tiêu dùng thông minh”. Trong cơ chế thị trường, họ có quyền lựa chọn và quyết định mua sản phẩm nào, của ai sản xuất ra? Song họ cũng biết rằng khi mua một sản phẩm hàng Việt đã góp phần phát triển sản xuất cho đất nước, cho thành phố Đà Nẵng, cho con cháu chúng ta có việc làm và góp phần tăng thu nhập cho công nhân và cho chính gia đình mình. Nếu làm tốt công tác tuyên truyền, chắc chắn người tiêu dùng sẽ ủng hộ mạnh mẽ hơn cho cuộc vận động này.

Cuối cùng, để các DN tham gia được chương trình, thành phố cần có chính sách ưu tiên về mặt bằng cho sản xuất, mặt bằng cho kinh doanh, giới thiệu quảng bá sản phẩm. Việc tiếp cận các chính sách này đối với các DN của thành phố còn gặp nhiều khó khăn, chưa có hiệu quả.

Thành phố Đà Nẵng phát động chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng là lúc chúng ta cần rà soát lại việc triển khai các chương trình phát triển sản xuất đã được ban hành trong những năm qua, như Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, Chương trình phát triển kinh tế biển, Chương trình phát triển sản phẩm lưu niệm du lịch, Chương trình phát triển du lịch… Đó cũng chính là những giải pháp để góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế của thành phố mà kỳ họp HĐND thành phố lần thứ 15 vừa thông qua.

Bùi Diệu Thanh

;
.
.
.
.
.