.

Quảng bá cho làng nghề

.

Đà Nẵng có những làng nghề danh tiếng, thế nhưng việc xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm cho làng nghề còn khá yếu ớt, chủ yếu là tự phát, hiệu quả chưa cao. Đơn cử như sau 5 năm phục hồi làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô, sức tiêu thụ về sản phẩm đang có dấu hiệu sụt giảm.

Đóng chai nước mắm Nam Ô. (Ảnh chụp tại Công ty CP Thủy sản Nam Ô) 

Ông Phan Thành Đức, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Nam Ô cho biết: Sau khi làng nghề truyền thống được phục hồi thì thương hiệu nước mắm Nam Ô đã được nhiều người tiêu dùng trên cả nước biết đến, nhưng trên thực tế, sản phẩm này vẫn chưa thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của nhiều địa phương khác. Mặc dù đơn vị đã chú trọng quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho làng nghề, nhưng hiệu quả mang lại chưa cao.

Theo ông Đức, việc quảng bá thương hiệu chưa đạt hiệu quả một phần do có không ít hộ chuyên chế biến nước mắm Nam Ô lại có quan niệm rằng, lấy truyền thống trăm năm, nghìn năm để thay thế cho việc quảng bá thương hiệu làng nghề, vì đã có truyền thống lâu đời sẽ có nhiều người biết đến sản phẩm. Đơn cử, đã có không ít các loại nước mắm đặc sản ở các vùng miền khác đều có mặt ở các siêu thị lớn như BigC, Metro… nhưng nước mắm Nam Ô lại rất khó “chen chân” vào  siêu thị được, mặc dù ai nấy đều khen ngon và có mùi thơm đặc biệt. “Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với các siêu thị lớn để được đưa sản phẩm nước mắm Nam Ô vào bán, nhằm đẩy mạnh công tác quảng bá sản phẩm đặc sản của Đà Nẵng. Nhưng thật thất vọng vì hầu hết các siêu thị lớn đều từ chối, với lý do đặc sản của chúng ta là sản phẩm vùng miền”, ông Đức cho hay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện trên địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc có khoảng 32 hộ chế biến nước nắm Nam Ô (trong đó có 16 hộ được tập trung lại 1 tổ hợp, còn 16 hộ chế biến riêng lẻ). Điều đáng nói là công tác xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm dường như chẳng hộ nào chú trọng đến. Ông Trần Phước Huấn, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc băn khoăn: Nếu so với mọi năm thì lượng tiêu thụ  nước mắm Nam Ô năm nay có phần sụt giảm mạnh.

Tiêu thụ mạnh nhất thường vào thời điểm áp Tết âm lịch, tuy nhiên đến thời điểm này, nhiều hộ vẫn còn tồn đọng nhiều, có hộ còn tới hơn 2.000 lít. Cũng theo Công ty CP Thủy sản Nam Ô, mỗi năm đơn vị tiêu thụ hơn 100 nghìn lít nhưng năm nay có thể sẽ giảm khoảng 20%. Theo ông Đức, sở dĩ lượng tiêu thụ giảm là do thị trường bị cạnh tranh quyết liệt, mặt khác, DN còn gặp khó khăn về kinh phí và giải pháp trong xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu.

Ông Trần Phước Huấn – Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc: Trong năm 2010, địa phương sẽ kiến nghị với UBND quận đầu tư kinh phí lắp đặt các quầy hàng trưng bày và bán sản phẩm đặc sản của Đà Nẵng tại khu vực gần Trạm thu phí của hầm đường bộ Hải Vân. Lợi thế lớn nhất đối với làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô là các loại nước mắm đều được người tiêu dùng trong và ngoài nước khen ngon, có độ đạm cao, tỏa mùi thơm hấp dẫn. Vì thế, muốn sản phẩm được tiêu thụ mạnh, chúng ta phải đẩy mạnh công tác quảng bá thương hiệu để phát triển làng nghề.  

Thực trạng chung của DN vừa và nhỏ hiện nay là hạn chế về năng lực tài chính nên chi phí dành cho việc phát triển thương hiệu không được đầu tư xứng đáng, dù việc làm này cần kế hoạch dài hơi, liên tục. Bên cạnh đó, sản xuất trong các làng nghề hiện còn manh mún, nhỏ lẻ theo hộ gia đình, mạnh ai nấy làm. Nhiều cơ sở, làng nghề còn chưa nhận thức đúng giá trị đích thực của việc quảng bá thương hiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng nên không có chương trình hoạt động cụ thể. Thế nên, để xây dựng thương hiệu chung không phải chuyện dễ.

Được biết, những năm qua, các ngành chức năng của thành phố đã có những chính sách hỗ trợ, xúc tiến quảng bá thương mại dành cho các làng nghề, đặc biệt việc phục hồi và xây dựng thương hiệu cho làng nghề đặc sản nước mắm Nam Ô, thế nhưng hiệu quả mang lại chưa đạt như mong muốn.

Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.