.

Hơn 200ha lúa Đông Xuân ở Hoà Quý có nguy cơ mất trắng

.

Nước sông Vĩnh Điện nhiễm mặn khiến hàng trăm ha lúa Đông Xuân ở phường Hoà Quý (quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) cạn kiệt nước tưới, có nguy cơ mất trắng

Hệ thống kênh mương của phường Hòa Quý khô kiệt do nguồn nước sông Vĩnh Điện bị nhiễm mặn

Theo ghi nhận của UBND phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), từ ngày 11-2-2010 (tức 28 tháng Chạp năm Kỷ Sửu) đến nay, thời tiết nắng nóng đã khiến nguồn nước trên sông Vĩnh Điện bị nhiễm mặn với nồng độ ngày càng cao, từ 2,8%o đến gần 4%o, tùy theo mức nắng nóng của từng ngày.

Do vậy, nguồn nước tưới từ sông này qua trạm bơm Tứ Câu cho hơn 208ha lúa Đông Xuân của HTX 1, phường Hòa Quý đang có nguy cơ cạn kiệt. Số diện tích lúa này đang ở giai đoạn đứng cái làm đòng. Đây chính là thời điểm quyết định đến sản lượng và năng xuất của cây lúa, nếu thiếu nước tưới sẽ dẫn tới mất mùa, đe dọa lớn đến đời sống của người dân ở một phường vùng ven chủ yếu sinh sống bằng nghề nông.

Ngay từ mồng 4 Tết Canh Dần, phường Hòa Quý đã huy động lực lượng và phương tiện tập trung chống hạn. Nhưng do thời tiết ngày càng khắc nghiệt, nước nhiễm mặn nên cả 4 trạm bơm An Lưu, Rộc Nô, Bàu Dừa và Bang Bang đều ngưng hoạt động. Phường đã tổ chức sửa chữa, lắp đặt máy bơm ở 2 trạm dự trữ chống hạn là Bàu Cung, Ao Trời và cho chạy 24/24h nhằm cứu lúa. Tuy nhiên, do lượng nước dự trữ có hạn nên hiệu quả không cao.

Hiện phường Hòa Quý đang phối hợp với Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi Điện Bàn – Hội An (Quảng Nam), đơn vị ký hợp đồng tưới tiêu cho 95 ha lúa của HTX 1 Hòa Quý, để tranh thủ lách mặn, cung cấp nguồn nước cho 95ha đã hợp đồng và bơm nước dự trữ cho hồ Bàu Cung để trạm bơm tại đây tiếp tục hoạt động nhằm chống hạn cho lúa.

“Chúng tôi đang huy động các lực lượng, nhất là vận động nhân dân tranh thủ các nguồn nước còn lại cũng như nạo vét các ao hồ, bàu để tạo nguồn nước tưới. Tuy vậy, nếu những ngày tới thời tiết tiếp tục nắng nóng, trạm bơm Tứ Câu tiếp tục bị nhiễm mặn thì có khả năng nguồn nước tưới cho lúa trên địa bàn không còn nữa. Khi đó tất cả các diện tích lúa tại HTX 1 Hòa Quý coi như mất trắng”, ông Nguyễn Đức, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Quý, nói.

Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó Ban thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố Đà Nẵng cho hay, nguyên nhân dẫn tới nhiễm mặn trên sông Vĩnh Điện là do thời tiết khô hạn, lượng mưa quá ít chứ chưa liên quan trực tiếp từ việc nhà máy thủy điện ĐăkMi 4 (Quảng Nam) chuyển nước ở thượng nguồn sông ĐăkMi qua sông Thu Bồn phát điện mà không trả lại sông Vu Gia để cấp nước cho vùng hạ lưu, do vì công trình này vẫn đang xây dựng.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Vạn Thắng cảnh báo, với các quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện đã được phê duyệt như hiện nay thì nguy cơ hạn hán, thiếu nước ở hạ lưu sông Vu Gia, bao gồm thành phố Đà Nẵng và các huyện Đại Lộc, Điện Bàn (Quảng Nam) sẽ rất nặng nề. Và nếu lượng nước sau phát điện của thủy điện ĐăkMi 4 không được trả lại sông Vu Gia hoặc trả không đủ lưu lượng thì tình hình sẽ càng nghiêm trọng hơn.

Trước đó, năm 2002 đã xảy ra hạn nặng kéo dài từ tháng 5 đến giữa tháng 8 do tích nước hồ thủy điện A Vương ở thượng nguồn. Mặn xâm nhập sâu và kéo dài trên các sông Cầu Đỏ, Cẩm Lệ, Vĩnh Điện, Cu Đê. Hai hồ chứa nước lớn của Đà Nẵng là Hòa Trung, Đồng Nghệ và 21 hồ nhỏ bị khô kiệt.

Do vậy, từ đầu tháng 12-2009, Ban chỉ huy PCLB Đà Nẵng đã có văn bản kiến nghị các cấp, ngành hữu quan cần nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch xây dựng các công trình thủy điện trong mùa mưa và cả mùa khô trên thượng lưu Vu Gia - Thu Bồn theo hướng có đánh giá rõ ràng về tác động môi trường; xây dựng quy trình vận hành xả lũ cũng như điều tiết nước của các hồ thủy điện với sự tham gia và giám sát của địa phương để bảo đảm hiệu quả điều tiết của các hồ thuỷ điện, tránh xảy ra thiếu nước ở mùa khô và lũ lớn ở mùa mưa.

Cẩm An

;
.
.
.
.
.