.

“Sóng ngầm” thị trường thẻ

.

Mục tiêu của các ngân hàng thương mại (NHTM) là chiếm lĩnh thị phần càng nhiều càng tốt; vì thế  mạnh tay đầu tư phát triển dịch vụ, sản phẩm mới liên kết với nhiều đối tác để đa dạng tiện ích, gia tăng việc thu hút khách hàng... Từ đó tạo ra “sóng ngầm”  cạnh tranh trên thị trường thẻ.

Các ngân hàng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thẻ.

Có thể nói, chiến lược trong cuộc đua về cạnh tranh cung cấp dịch vụ thẻ được các NHTM đưa ra là tìm các phân khúc thị trường, tấn công vào thị trường ngách bằng các sản phẩm độc đáo với sự liên kết nhiều đối tác có lợi thế về khách hàng, mạng lưới và công nghệ hiện đại như điện lực, viễn thông, nhà phân phối, bán hàng qua mạng...

Mới đây, thực hiện quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) tiến hành đổi thẻ Vietcombank Connect24 miễn phí với số Bin mới 9700436 cho gần bốn triệu chủ thẻ của ngân hàng này. Chủ thẻ Vietcombank Connect24 có thể đổi thẻ miễn phí từ 6-1-2010 đến 30-6-2011. Trong thời gian này, khách hàng vẫn có thể sử dụng thẻ với mã Bin cũ để thực hiện giao dịch.

Việc chuyển đổi số Bin theo quy chuẩn của NHNN là việc cần thiết để chuẩn hóa hệ thống phát hành thẻ tại Việt Nam trong bối cảnh ngày càng nhiều NHTM tham gia phát hành thẻ và phát triển đa dạng các sản phẩm thẻ nội địa. Vietcombank đã tiên phong ứng dụng hệ thống quy chuẩn dịch vụ thẻ. Việc đổi thẻ của Vietcombank nhằm hướng tới hệ thống ngân hàng hiện đại, quy chuẩn, bảo đảm yêu cầu quản lý trong hoạt động thanh toán, phát hành, cung cấp dịch vụ thẻ ngày càng hoàn thiện và có chất lượng cao, đồng thời khẳng định một thương hiệu lớn trên thị trường thẻ.

Cũng với mục tiêu đem lại nhiều tiện lợi nhanh chóng, đơn giản cho khách hàng, Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) liên kết với Công ty CP Giải pháp Thanh toán Việt Nam - VNPAY cung cấp dịch vụ ví điện tử VnMart, cho phép người dùng giao dịch, mua bán, trao đổi tại các trang thương mại điện tử, mạng liên kết VnMart một cách tiện lợi và an toàn.

Ví VnMart tạo thuận lợi để chủ thẻ E-Partner có thêm kênh thanh toán trực tuyến, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận khách hàng trên thị trường; mua sắm, chi tiêu những khoản vừa và nhỏ thông qua internet. Chủ thẻ E-Partner có thể nạp tiền từ tài khoản thẻ ATM sang ví VnMart bằng VnTopup một cách đơn giản sau khi đăng ký sử dụng. Ví VnMart đã mở ra cho thị trường thanh toán trực tuyến sự phát triển mạnh mẽ vốn được nhiều người quan tâm, mong đợi, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận trên 2 triệu thẻ E-Partner của VietinBank. Với VnMart, khách hàng được hỗ trợ miễn phí 24 giờ/ngày và 7 ngày/tuần; giúp khách hàng tránh thất thoát tiền và giảm thiểu thời gian, chi phí và kiểm soát được các khoản chi tiêu hiệu quả. 

Đối với các sản phẩm thẻ ghi nợ quốc tế, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa ra mắt sản phẩm thẻ ghi nợ quốc tế Visa Debit, kết nối trực tiếp với tài khoản tiền gửi thanh toán VND của khách hàng. Không chỉ rút tiền tại hơn 8.000 máy ATM và thanh toán tại 15.000 điểm chấp nhận thẻ Visa tại Việt Nam, khách hàng còn rút tiền tại hàng triệu máy ATM và trên 30 triệu điểm chấp nhận thẻ có logo Visa ở 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, chủ thẻ của ACB được bảo hiểm số tiền khi rút tại các máy ATM trên toàn cầu. Thẻ Visa Debit tạo được sự yên tâm khi khách hàng thanh toán qua mạng và các điểm chấp nhận thẻ khắp nơi trên thế giới...

Cùng đó, ACB được xem là điển hình trong phát hành thẻ miễn phí, miễn phí thường niên và gia tăng tiện ích thông qua nhiều chương trình quà tặng, khuyến mãi… nên số lượng các loại thẻ phát hành năm sau luôn cao hơn năm trước. Đến nay, chỉ với thẻ Visa/MasterCard vàng, Visa/MasterCard chuẩn, Visa Business, Visa Prepaid, Visa Electron, ATM2+/Visa Debit, MasterCard Dynamic, MasterCard Electronic, ACB đã phát hành hơn 349.559 thẻ...

Cuộc đua trên thị trường thẻ đã tạo cơn “sóng ngầm” cạnh tranh khi các NHTM ngày càng tập trung đẩy mạnh phát triển nhiều loại thẻ, đa dạng hóa các sản phẩm thẻ, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút khách hàng sử dụng và mở rộng thị phần.

Bài và ảnh: Công Thái

;
.
.
.
.
.