.

Chống thất thoát nước sinh hoạt: Nóng bỏng tại các đô thị

.

Mỗi ngày thất thoát 1,8 triệu m3 nước

Thi  công hạ  tầng cấp nước mới tại        phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ.  

Theo nhận định của Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), hiện nay, tỷ lệ thất thu và thất thoát nước sạch của Việt Nam đã giảm xuống còn 30% nhưng vẫn là con số quá cao so với các nước tiên tiến trên thế giới. Một số địa phương vẫn có tỷ lệ thất thoát nước khá lớn, trong đó có thành phố Đà Nẵng. Ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc Công ty Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết: Trong vòng 4 năm qua, thành phố Đà Nẵng đã giảm 6,43% tỷ lệ thất thoát nước. Dù đã có nhiều cố gắng nhưng Đà Nẵng vẫn có tỷ lệ thất thoát nước 31,75%.

Mặc dù các hoạt động liên quan đến chống thất thoát, thất thu nước sạch đã được triển khai từ Trung ương đến các địa phương, song vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Các nguyên nhân cơ bản là do ý thức của người dân cùng với yếu kém trong quản lý cũng như hệ thống kỹ thuật. Theo Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Nguyễn Tường Vân, tỷ lệ thất thoát nước năm 2005 là 35%, đến năm 2009 giảm còn 30%, với lượng nước thất thoát gần 1,8 triệu m3/ngày...

Hiện đa số đường ống cấp nước ở các đô thị quá cũ, lạc hậu, có tuyến dẫn nước đã trên 30 năm sử dụng, các mối nối đường ống cũ mục. Hơn nữa, do việc thi công các công trình ngầm không đồng bộ, dễ gây vỡ đường ống cấp nước, tình trạng ăn cắp nước sạch bằng cách khoan thẳng vào mạng đường ống, lắp đặt ống riêng để sử dụng không qua đồng hồ đo đếm cũng làm tăng tỷ lệ thất thoát nước.

Đầu tư chống thất thoát nước sinh hoạt 

 Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cho rằng, nếu để tình trạng thất thoát nước sạch kéo dài sẽ ảnh hưởng đến môi sinh, nguồn tài nguyên nước và cuộc sống của cộng đồng. “Đã đến lúc Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung cần hành động ngay để tìm ra giải pháp giảm thiểu thất thoát, thất thu nguồn nước qua sản xuất”, ông Chiến đề nghị.

Để giải quyết tình trạng nêu trên, Bộ Xây dựng vừa kiến nghị Chính phủ chương trình đầu tư gần 9.400 tỷ đồng để chống thất thoát nước sạch trên toàn quốc theo Chương trình mục tiêu quốc gia. Ngoài ra, Bộ Xây dựng đề xuất tại các đô thị lớn, cần thành lập bộ phận chuyên trách chống thất thoát nước sạch, đồng thời phải lập được lý lịch mạng lưới đường ống, đồng hồ đo nước, sử dụng việc quản lý mạng và đồng hồ nước bằng hệ thống định vị toàn cầu GPS... Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Chính phủ ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA, tín dụng ưu đãi Nhà nước cho các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp nước.

Ở góc nhìn khác, Tiến sĩ Hubert Jenny - chuyên gia cao cấp về phát triển đô thị khu vực Đông Nam Á của ADB - đưa ra kế hoạch hành động trong 5 năm tới. Theo ông Hubert Jenny, để giảm thất thoát nước, Việt Nam cần qua các bước: Lập kế hoạch về dự toán nhu cầu; vốn ngân sách đầu tư và kinh phí; giảm chi phí vận hành và bảo dưỡng hệ thống cấp nước; giảm công nợ; tăng cường dịch vụ khách hàng, trong đó chú trọng thông tin tuyên truyền tiết kiệm nước sạch và hài hòa giá nước để bù đắp chi phí...

Ông Nguyễn Tôn, Chủ tịch Hội Cấp nước Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới, cùng với Bộ Xây dựng, chính quyền các đô thị cần đẩy nhanh việc thực hiện chương trình quốc gia chống thất thoát nước sạch đến năm 2025. “Mỗi công ty, mỗi đô thị cần tiếp tục đánh giá đúng đắn thực trạng của việc cấp nước để có kế hoạch cụ thể nhằm tiết kiệm và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên này của đất nước”, ông Tôn nhấn mạnh. Ông Nguyễn Trường Ảnh cũng cho rằng: “Đầu tư cho việc kiểm soát rò rỉ, thay các tuyến ống cũ, hư hỏng, kém chất lượng và thay đồng hồ hỏng là việc làm cần thiết”.

“Theo Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 68 công ty cấp nước, mới chỉ cung cấp dịch vụ cho khoảng 70% dân số ở hơn 750 đô thị. Thời gian qua, các Bộ, ngành Trung ương và các công ty cấp nước đã triển khai nhiều giải pháp chống thất thoát, thất thu nước sạch nên tỷ lệ thất thoát bình quân toàn quốc đã giảm từ 42% (năm 1998) xuống còn 30% hiện nay. Tuy nhiên, so với các nước tiên tiến và các nước trong khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ này vẫn còn cao. Nguyên nhân là do giá nước sạch chưa được tính đúng, tính đủ để bảo đảm các đơn vị cấp nước chủ động trong sản xuất kinh doanh cũng như tập trung sửa chữa, thay thế và bảo trì hệ thống đường ống. Bên cạnh đó, hoạt động chống thất thoát, thất thu nước sạch chưa có tính chất liên tục và chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương; các chế tài về giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch vẫn chưa có quy định cụ thể. Hoạt động chống thất thoát, thất thu nước sạch đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khá lớn, trong khi đó các đơn vị cấp nước đang thiếu nguồn vốn đầu tư”. 
 (Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật- Bộ Xây dựng) 

 
Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.