Theo Sở Công thương thành phố, giá trị sản xuất công nghiệp (CN) trong 2 tháng đầu năm đã có bước tăng trưởng mạnh, doanh nghiệp (DN) có đơn đặt hàng trong nhiều tháng. Riêng trong tháng 2, mặc dù thời gian nghỉ Tết kéo dài, nhưng giá trị sản xuất CN vẫn đạt khoảng 751 tỷ đồng, nâng tổng giá trị sản xuất CN 2 tháng đầu năm ước đạt 1.906 tỷ đồng, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, DN Trung ương ước đạt 873,3 tỷ đồng, DN địa phương ước đạt 689,5 tỷ đồng và DN có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 343,1 tỷ đồng.
Công nhân làm việc ở Công ty CP Dệt-may 29-3. |
Tính tới thời điểm này, đa số các DN trong ngành dệt-may, da giày đã có đơn hàng đến hết quý 1, một số DN lớn có đơn hàng đến hết quý 2, thậm chí như Công ty CP Dệt-may 29-3 đã có đơn đặt hàng đến hết tháng 8-2010. Các DN khác như Tổng Công ty CP Dệt- may Hòa Thọ, Công ty CP Vinatex Đà Nẵng, Công ty Dệt Hòa Khánh... cũng đã có các hợp đồng sản xuất lớn. Một số DN phải làm tăng ca để kịp tiến độ giao hàng. Ngoài thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật…, các thị trường khác như Hàn Quốc, Arập Xêút, Thụy Sĩ, Nam Phi, Trung Đông… cũng đã phát triển trở lại.
Đây là một tín hiệu khả quan cho các DN dệt-may, nhất là trong bối cảnh các DN đều tìm được đầu ra cho sản phẩm. Điều này hứa hẹn khả năng tăng trưởng xuất khẩu ổn định trong thời gian tới và báo hiệu một mùa bội thu, tiếp tục là năm thành công của các DN dệt-may thành phố. Theo phân tích của nhiều DN, sở dĩ lượng đơn hàng dệt-may năm nay về nhiều là do những hãng thời trang lớn trên thế giới và những thị trường nhập khẩu lớn là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... nếu như trước đây đặt hàng nhiều ở Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh... thì nay đang có xu hướng chuyển dịch dần về Việt Nam.
Nhìn vào bức tranh xuất khẩu của các DN dệt-may trong năm nay cho thấy, nhiều nhà nhập khẩu đã tăng số lượng đặt hàng, thêm nhiều thị trường mới. Tuy nhiên, các DN dệt-may cũng phải đối mặt với không ít khó khăn như áp lực căng thẳng về lao động, giá các sản phẩm đầu vào như điện, than, xăng dầu, chi phí sản xuất tăng sẽ đè nặng lên vai DN. Thực tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, một số DN dệt-may chạy ngược chạy xuôi để tuyển công nhân nhưng vẫn không sao bù đắp được một lượng lớn lao động về quê ăn Tết rồi không trở lại làm việc. Mặt khác, từ ngày 1-1-2010, Luật Bảo vệ môi trường người tiêu dùng của Mỹ bắt đầu có hiệu lực, trong đó vấn đề kỹ thuật mới đối với việc nhập khẩu hàng dệt-may là rào cản không nhỏ cho các DN xuất khẩu của chúng ta. Ngoài ra, không ít các DN còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Dù vậy, các DN đều đặt ra chỉ tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng từ 10% trở lên. Lãnh đạo một DN dệt-may chia sẻ: “Thị trường Mỹ và EU năm ngoái bị sụt giảm nhiều, chúng tôi phải nhận những đơn hàng lẻ để làm, nên rất vất vả trong việc tìm kiếm hợp đồng. Năm nay tình hình đã khác, không còn cảnh khan hiếm đơn hàng để sản xuất nữa. Hiện chúng tôi đã có quyền được lựa chọn khách hàng”.
Thuận lợi về đơn hàng, thị trường đã tạo điều kiện cho DN đẩy mạnh phát triển những mặt hàng chiến lược, có thế mạnh của mình. Tại Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ, Công ty CP Vinatex Đà Nẵng, Công ty CP Dệt-may 29-3, Công ty Dệt Hòa Khánh… công nhân đang hối hả làm việc, có thời điểm phải tăng ca. Từng chuyền may dài hun hút đầy ắp sản phẩm. Các xưởng đều có bảng kế hoạch hàng phải giao trong ngày được dán ở nơi dễ nhìn nhất…
Có thể nói, khó khăn dần qua đi và cơ hội trở lại thời hoàng kim cho ngành dệt-may rất lớn.
Bài và ảnh: Phương Uyên