.

Khu du lịch Bà Nà: Sẽ có nơi buôn bán cho các hộ hàng rong

.

Mấy năm gần đây, tuyến đường dẫn lên khu du lịch Bà Nà - Suối Mơ bị những người buôn bán tràn ra tận lòng đường. Đã nhiều lần chính quyền địa phương ra sức chấn chỉnh, song với lý do mưu sinh, các hộ vẫn quyết “bám trụ” tới cùng.

Những quả trứng bị phơi nắng như thế này, liệu có bảo đảm ATVSTP? 

“Cửa hàng” của 5-6 hộ bán ven đường lên Bà Nà là những cái lều xập xệ, lợp tạm bợ bằng những mái rạ để bán trứng đà điểu. Mỗi khi có xe du lịch lên xuống điểm tham quan, người bán lại tràn ra tận lòng đường ngoắc chào khách. Bị “chặn đầu xe” như vậy, khách du lịch rất khó chịu. Trong chuyến kiểm tra trước khi có quyết định đưa các hộ kinh doanh vào nơi phù hợp, Phó Giám đốc Sở Công thương Lữ Bằng nhận xét: “Đây là kiểu kinh doanh không lớn, nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến văn minh thương mại, an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn giao thông”.

Ông Huỳnh Tân, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh cho hay: “Những hộ kinh doanh trên tuyến đường này vốn chỉ có nghề làm nông. Sau khi thành phố có chủ trương giải tỏa khu vực nhà dân để thực hiện các dự án thì những hộ này chuyển sang làm những nghề khác nhau. Trước đây, khi tuyến đường mới dẫn lên cáp treo Bà Nà chưa đi vào hoạt động, ngã ba An Lợi là nơi tập trung của những hộ dân làm nghề xe ôm, bán hàng rong.
 
Đến nay, ngã ba An Lợi ít người qua lại, họ lại chuyển xuống khu vực dưới này để mưu sinh. Nếu nói khó dẹp thì không phải, nhưng vì nghĩ đến chuyện mưu sinh của người dân nên địa phương không thể bắt họ nghỉ bán”. Bà Nguyễn Thị Sáu (61 tuổi), kinh doanh tại đây nói: “Tôi già như thế này rồi vẫn phải bám đường làm ăn. Cũng muốn chấp hành theo quy định, nhưng chừ biết đi mô làm ăn. Giờ không cho bán ở đây thì chúng tôi chỉ có nguyện vọng được vô bán hàng trong khu du lịch, có như vậy mới bảo đảm cuộc sống hằng ngày của người dân chúng tôi”.

Cũng theo địa phương, thành phố vẫn chưa có quyết định tái định cư cho người dân, vì thế họ vẫn chưa biết phải đi đâu, về đâu. Nhiều phương án đã được đưa ra vào tháng 3 nhằm giải quyết vấn đề môi trường và an toàn đối với việc kinh doanh tại đây. Để chấm dứt hoạt động buôn bán mất văn minh kiểu này, ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo UBND huyện Hòa Vang và xã Hòa Ninh phải kiên quyết di dời những hộ này; mặt khác, tìm địa điểm để bố trí hộ kinh doanh vào chỗ hợp lý, không để tồn tại những lều quán nhếch nhác như vậy trong tuyến đường du lịch điểm của thành phố.

Dù  phải chuẩn bị tinh thần di dời trong thời gian ngắn, song các hộ kinh doanh đã ý thức khá tốt về việc không nên lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại đây. Anh Trần Thanh Cường (thôn An Lộc, xã Hòa Ninh), một trong số những hộ bán trứng, nói: “Tụi tôi cũng muốn vô buôn bán ở những nơi sạch đẹp, có tủ kính trưng bày đàng hoàng, chứ đâu muốn đứng ở ngoài đường vừa nắng nóng, vừa không bảo đảm chất lượng sản phẩm. Nếu được kinh doanh trong điểm du lịch Bà Nà, chúng tôi sẽ cam kết bảo đảm các quy định tại đây”.

Trong buổi làm việc giữa lãnh đạo thành phố với chính quyền địa phương và Công ty CP Du lịch cáp treo Bà Nà, phương án bố trí một khu vực để các hộ này có điều kiện kinh doanh đã được thống nhất theo nguyện vọng của người dân và sẽ giải quyết hợp tình
hợp lý.

Bài và ảnh: PHONG KHÁNH

;
.
.
.
.
.