.

Phê duyệt quy hoạch chi tiết Công viên văn hóa tâm linh Ngũ Hành Sơn

.

(ĐNĐT) - Công viên văn hóa tâm linh Ngũ Hành Sơn trên tổng diện tích tích gần 139ha, vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng vừa được UBND thành phố Đà Nẵng quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết

"Phối cảnh trục lễ hội của Công viên văn hóa tâm linh Ngũ Hành Sơn"

Ngày 17-4, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cho biết, UBND thành phố Đà Nẵng vừa quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết Công viên văn hoá tâm linh Ngũ Hành Sơn do Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và thực nghiệm kiến trúc xây dựng (Đại học Kiến trúc TP.HCM) lập, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng, có khả năng đón tiếp khoảng 3.000 khách/ngày.

Theo PGS-TS, kiến trúc sư Phạm Từ, Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, ý tưởng quy hoạch khu danh thắng Ngũ Hành Sơn nhằm “tổ chức không gian trên ý niệm về sự hình thành vũ trụ theo quan niệm phương Đông, kiến tạo không gian lễ hội văn hoá mang thông điệp truyền thuyết và lịch sử hướng đến những giá trị thời đại”.

Trên diện tích tổng thể 139ha thuộc phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), công viên này được quy hoạch, thiết kế theo chủ đề “Con đường huyền thoại”. Trong đó, khu làng đá mỹ nghệ truyền thống Non Nước và khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn sẽ được tôn tạo và tái cấu trúc theo ý tưởng kết nối 5 ngọn núi Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ Sơn) với sông Cổ Cò và biển Đông.

Không gian khu Thuỷ Sơn được tổ chức theo chủ đề “Văn hóa nước” kết nối giữa các tuyến kênh đào với sông Cổ Cò. Ngọn Thổ Sơn được dành cho khu vườn tượng và bảo tàng đá. Hai ngọn Kim Sơn và Hỏa Sơn dành cho lễ hội Quán Thế Âm. Ngọn Mộc Sơn là nơi tụ hội của các loài thảo mộc quý.

PGS-TS Phạm Từ cho hay, một trong các điểm nhấn quan trọng nhất của quy hoạch này là Bảo tàng đá mỹ nghệ duy nhất tại Việt Nam trên diện tích khoảng 7,3ha. Tại đây sẽ có các khu trưng bày, triển lãm, chế tác và trao đổi, mua bán các tác phẩm đá mỹ nghệ; quảng trường; trục lễ hội, sân khấu ngoài trời, các tuyến kênh đào… Bảo tàng được xây dựng theo dạng hang động (ngầm dưới lòng đất) tạo nên cảnh trí hấp dẫn. Ngoài ra, đây còn là nơi tổ chức các sự kiện văn hoá về đá mỹ nghệ trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, công viên truyền thuyết Ngũ Hành được xây dựng trên diện tích khoảng 7,2ha nhằm truyền tải quá trình hình thành vũ trụ theo quan điểm triết lý phương Đông về Ngũ hành; câu chuyện lịch sử của vua Minh Mạng và các bậc trí nhân từng đến thăm khu danh thắng này… Tại đây cũng hình thành làng hành hương trên diện tích 5,2ha với đồng lúa, nơi trưng bày nông cụ, chợ ẩm thực, đình làng, đền thờ… và các dịch vụ phục vụ khách tham quan theo ý tưởng trở về nguồn cội kết hợp không gian văn hoá làng quê mang những nét đặc trưng của vùng Trung Trung bộ…

Toàn bộ các khu dân cư trong khu vực danh thắng Ngũ Hành Sơn sẽ được tái điều chỉnh vào 3 khu làng đá mỹ nghệ với dân số quy hoạch trên 6.200 người, gần 1.600 hộ, diện tích cư trú 191m2/hộ. Tại đây sẽ có khoảng 1.500 cơ sở buôn bán đá mỹ nghệ, gia công vệ tinh và dịch vụ du lịch, giải trí. Ở giữa 3 khu làng đá mỹ nghệ sẽ có tuyến đường du lịch làng nghề cùng các hạng mục như khu hành chính, vườn tượng, thánh xá, nhà thờ tổ nghề đá, vườn trẻ…

Theo ông Robert Winter, đại diện Tập đoàn Winterr Group - đơn vị tư vấn phản biện đồ án quy hoạch, khu làng nghề có vị trí quan trọng, như chất keo kết dính các ngọn núi. Đây sẽ là nơi để du khách khám phá cuộc sống, văn hoá của cư dân địa phương. Bảo tàng đá cũng là điểm đặc trưng đặc biệt để thu hút du khách. Tại đây có thể kết hợp giữa trưng bày trong nhà và trưng bày ngoài trời trong một tổng thể có sức hấp dẫn lớn… Đặc biệt, các điểm nhấn này nằm trên tuyến đường kết nối trực tiếp với Di sản văn hoá thế giới Hội An nên sẽ tạo được dấu ấn mạnh mẽ.

Ông cho rằng, cảnh quan thiên nhiên Ngũ Hành Sơn tạo nên sự khác biệt của khu danh thắng này so với những nơi khác, do vậy khi triển khai quy hoạch phải đảm bảo yêu cầu tôn tạo cảnh quan cho hấp dẫn, đẹp hơn nhưng vẫn mang tính tự nhiên. Việc đưa vào nhiều diện tích mặt nước sẽ góp phần tôn vinh vẻ đẹp của các ngọn núi. Du khách sau khi tham quan hang động, chùa chiền… sẽ có dịp hoà vào làng nghề, nhâm nhi café hoặc đi dạo, mua sắm, thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên dưới chân núi…

Cẩm An

;
.
.
.
.
.