.

Tiết kiệm điện - để bảo đảm an ninh năng lượng

.

Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tháng 5 năm 2010, tình hình thiếu điện sẽ diễn ra trầm trọng nhất từ vài năm gần đây. Nguyên nhân chính là các nhà máy thủy điện trên toàn quốc không phát hết công suất do các hồ chứa nước đều ở rất gần mực nước chết, đặc biệt là các nhà máy lớn ở khu vực phía Bắc.

Đổi mới công nghệ, sử dụng thiết bị tiết kiệm điện là giải pháp bền vững mà các doanh nghiệp đang hướng tới. 

Mặt khác, các nhà máy thủy điện phía Bắc phải xả nước phục vụ tưới tiêu, làm giảm đáng kể sản lượng điện phát của các nhà máy thủy điện; một số nhà máy nhiệt điện mới đưa vào vận hành chưa ổn định nên có thời điểm nguồn hệ thống không đáp ứng đủ nhu cầu, làm cho việc điều hành sản xuất gặp nhiều khó khăn. Vì thế, hiện tại EVN đang chỉ đạo việc chuyển điện từ Nam ra Bắc để bổ sung nguồn điện cho khu vực phía Bắc, nhằm bảo đảm cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Trong khi đó, nguồn điện mới của năm 2010 rất khiêm tốn so với sự thiếu hụt trên.

Tại khu vực miền Trung, từ ngày 1-3 đến ngày 31-3-2010, toàn Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã phải thực hiện sa thải theo lệnh của Trung tâm Điều độ miền Trung 31 lần với mức từ 24-191MW, ước tổng sản lượng điện sa thải là 27,034 triệu kWh. Trước tình hình đó, các đơn vị đã phải tính toán, cân nhắc và phối hợp tốt với các ban, ngành, địa phương để phân bổ cấp điện phụ tải hợp lý nhằm cấp điện ổn định cho sản xuất, an ninh-quốc phòng và phần lớn nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt trong các ngày lễ kỷ niệm 35 năm giải phóng các địa phương duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. Đến hết quý 1-2010, sản lượng điện thương phẩm của khu vực miền Trung, Tây Nguyên thực hiện 1.377,327 triệu kWh, đạt 102,47% kế hoạch, tăng 18,33% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó, điện cho sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng 38,92%; tăng 36,16% so với quý 1-2009.

Trước tình hình thiếu điện một cách trầm trọng vào mùa khô mà trọng tâm là các tháng quý 2 năm nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị phân phối điện (các sở địa phương) đã tiến hành nhiều giải pháp nhằm ổn định an ninh năng lượng, bảo đảm sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Trong đó, sử dụng năng lượng một cách hiệu quả và tiết kiệm là giải pháp được đặc biệt coi trọng.

Bộ Công thương và các địa phương đã thành lập các ban chỉ đạo nhằm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia này. Đối với thành phố Đà Nẵng, chương trình này cũng đã được tiến hành và triển khai từ năm 2006 với Quyết định số 4389/QĐ-UBND ngày 29-6-2006 của UBND thành phố về việc phê chuẩn đề án nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp từ năm 2007 đến năm 2010. Tài liệu từ các cuộc hội thảo, nghiên cứu về tiềm năng tiết kiệm điện cho thấy khả năng tiết kiệm điện ở nước ta là rất lớn (từ 20% đến 30%). Đối với thành phố Đà Nẵng, do hầu hết còn sử dụng các thiết bị có công nghệ cũ, công suất tiêu thụ điện năng lớn, và việc sử dụng điện sinh họat còn rất lãng phí trong các cơ quan, trong sinh hoạt gia đình nên tiềm năng tiết kiệm điện cũng rất lớn.

Để thực hiện tốt mục tiêu này cần có sự phối hợp đồng bộ của các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành với ngành điện để có các chế tài đủ mạnh, tạo động lực tiết kiệm điện trong các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có phụ tải tiêu thụ điện năng lớn. Việc đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm toán năng lượng nhằm đưa ra phương án sản xuất (giờ sản xuất, đổi mới thiết bị có công nghệ tiết kiệm năng lượng) hợp lý là rất cần thiết.
 
Trong thời gian chờ để đổi mới các thiết bị tiết kiệm điện thì mỗi cơ quan, cá nhân và các hộ gia đình cần phải nâng cao ý thức tiết kiệm điện bằng cách bố trí sản xuất hợp lý sao cho hiệu quả, tạo được thói quen sử dụng điện tiết kiệm có hiệu suất cao. Thực hành sử dụng điện hợp lý và tiết kiệm ở cơ quan và nơi công cộng, tích cực chống sử dụng điện lãng phí. Các biện pháp thực hiện phải được thể chế bằng các quy định từ chi tiết nhỏ nhất, đó là: tắt các thiết bị dùng điện không cần thiết khi ra khỏi phòng và hết giờ làm việc, tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên, tắt bớt đèn chiếu sáng khi số người làm việc trong phòng giảm, giảm ít nhất 50% số lượng đèn chiếu sáng chung ở hành lang, khu vực sân, vườn, hàng rào. Khi thay đèn ống huỳnh quang chỉ dùng đèn ống huỳnh quang “gầy” (T8, T5), thay bóng đèn sợi đốt bằng đèn compact. Chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết và chỉ để chế độ làm mát (từ 25 độ C trở lên) và dùng quạt điện thay thế điều hòa nhiệt độ khi thời tiết không quá nóng.

Tiết kiệm điện đã trở thành nhu cầu, một vấn đề mang tính quốc gia, đòi hỏi các cấp, các ngành và mỗi người hãy nâng cao hơn nữa ý thức sử dụng năng lượng sao cho hiệu quả và tiết kiệm. Ngay từ bây giờ, mỗi người hãy hưởng ứng chương trình mục tiêu này từ những việc làm nhỏ nhất hằng ngày, ngay tại cơ quan mình, ngay tại nhà mình là tắt điện khi ra khỏi phòng và tắt các thiết bị khi không cần thiết.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.