.
Đánh bắt hải sản ở Thanh Khê

Khởi sắc nhờ nghề mới

.

5 tháng đầu năm 2010, hoạt động đánh bắt hải sản ở Thanh Khê khởi sắc trông thấy khi chỉ có 148 tàu, tổng công suất 18.224 mã lực, nhưng đã đưa từ biển về 7.600 tấn hải sản các loại, giá trị ước 60 tỷ đồng, tăng 9% so cùng kỳ năm 2009 (toàn thành phố đạt 17.900 tấn). Cũng cần nói thêm rằng, một năm trước ở Thanh Khê có tới 187 tàu tổng công suất trên 21 nghìn mã lực, nhưng chỉ đạt gần 7.000 tấn. Điều đó chứng tỏ hoạt động đánh bắt hải sản ở địa phương này đã chuyển biến cơ bản về chất.

Đánh bắt bằng nghề lưới vây chất lượng hải sản rất cao. 

Chuyển đổi thành công nghề câu mực, giã cào sang nghề lưới cản, lưới vây và ngư dân tích cực bám biển là nguyên nhân tạo nên sự tăng trưởng lạc quan nói trên. Sau biến cố động đất ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), địa phương tiêu thụ số lượng lớn mực lá đại dương của ngư dân Đà Nẵng, giá mực xuống thấp, khó bán, các tàu câu mực nằm bờ thời gian dài. Đây cũng là thời kỳ đánh bắt hải sản ở Thanh Khê sụt giảm đáng kể về sản lượng so với các năm trước. Không bó tay, chính quyền các cấp, ngành chức năng và ngư dân quận đã nhanh chóng tháo gỡ bằng cách chuyển đổi nghề đánh bắt. Chỉ trong vài năm trở lại đây, hơn 60 tàu câu mực đã chuyển đổi sang đánh bắt bằng lưới cản, lưới vây. Với năng suất, chất lượng vượt trội, các nghề mới này đã góp phần tạo nên sự đột phá trong khai thác hải sản biển ở Thanh Khê thời gian gần đây.       

Ông Nguyễn Phú Hùng, ở tổ 27 Thanh Khê Đông, thuyền trưởng tàu ĐNa 90307 là một trong các ngư dân tiên phong chuyển đổi từ nghề câu mực sang đánh bắt bằng lưới vây. Hầu như chuyến biển nào tàu ông cũng đưa về 10-12 tấn hải sản chất lượng cao. Đánh bắt hiệu quả, thu nhập cao là động lực cho ngư dân tích cực bám biển. Ông Hùng cho biết: Nghề lưới vây xuất xứ từ Trung Quốc, sau đó ngư dân các tỉnh phía Nam tiếp cận triển khai.

Ngư dân Đà Nẵng mới đưa vào khai thác vài ba năm gần đây. Đánh bắt bằng nghề này năng suất cao hơn hẳn so các nghề khác, hải sản đa số chất lượng cao. Giải pháp đánh bắt cũng không mấy phức tạp. Khi phát hiện có luồng cá, các tàu cùng phối hợp thả lưới quây lại. Đánh bắt kiểu này, tàu ít tiêu hao nhiên liệu, thời gian bám biển ngắn. Có chuyến trúng đậm 14-16 tấn. Tuy vậy, nghề này vốn đầu tư cho giàn lưới khá lớn, khoảng 600-700 triệu đồng. Hơn nữa, kỹ năng ngư dân trong đánh bắt nghề này đòi hỏi cao, phải biết cách phát hiện được luồng cá. Thường thì ngư dân sử dụng máy tầm ngư để xác định ngư trường. Theo các cán bộ Phòng Kinh tế quận Thanh Khê, thiết bị này có giá từ 280-320 triệu đồng, hiện mới 5 tàu được trang bị.

Tàu ĐNa 90351 của ông Lê Văn Chiến, tàu ĐNa 90323 của ông Lê Dũng đều ở phường Xuân Hà cũng đánh bắt bằng lưới vây và đều đạt năng suất 13-15 tấn/chuyến. Có chuyến trúng đậm, các tàu này đưa về 17 tấn. Tính ra mỗi chuyến biển như vậy, chủ tàu thu 60-70 triệu đồng. Có lẽ ít có hoạt động kinh tế nào thu nhập cao và nhanh như vậy. Ông Chiến tâm sự: Từ trước đến nay đã triển khai nhiều nghề đánh bắt trên biển, song ít có nghề đạt năng suất cao như nghề lưới vây hiện nay. Ông Nguyễn Văn Còn, Chủ tịch Hội Nông dân phường Xuân Hà cho biết: Kể từ ngày tiếp cận với nghề lưới vây, hoạt động đánh bắt hải sản của địa phương sôi động hẳn lên, ai nấy tích cực bám biển. Hiện tại, một số tàu đã cải tiến giàn đèn để có thể đánh bắt lưới vây cả ban đêm.
 
Có thể nói, nghề lưới vây một số tàu đang triển khai là cơ hội cho ngư dân làm giàu. Vấn đề đặt ra hiện nay, cần đẩy mạnh việc chuyển đổi từ các nghề kém hiệu quả như nghề giã đôi cao tốc sang nghề lưới vây. Vẫn biết đa dạng ngành nghề đánh bắt trên biển là cần thiết, song chuyển đổi nghề hiệu quả cho ngư dân là vấn đề các cơ quan liên quan cần tính đến hiện nay. Với hiệu quả thiết thực nêu trên, thiết nghĩ, ngành ngân hàng cùng các ngành chức năng cần đầu tư hợp lý cho hoạt động đánh bắt hải sản.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.