.

Diễn biến thị trường ô-tô nhập khẩu

.

Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam sẽ phải thực hiện lộ trình cắt giảm thuế theo cam kết đối với các mặt hàng, trong đó, mặt hàng ô-tô cũng thuộc lộ trình cắt giảm  năm nay.

Doanh số ô-tô nhập khẩu đã tăng mạnh trong tháng 5.  

Vì thế, từ cuối năm 2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 216/2009/TT-BTC (có hiệu lực từ ngày 1-1-2010) quy định biểu thuế mới đối với ô-tô và một số mặt hàng khác. Theo đó, riêng mặt hàng ô-tô, mức thuế nhập khẩu đối với xe chạy xăng từ 2.500cc trở lên là 80%; ô-tô 4 bánh 2 cầu chủ động là 77% (thay vì mức thuế 83% như năm 2009), các loại xe chạy xăng dưới 2.500 cc và chạy diesel giữ nguyên mức hiện hành của năm 2009 là 83%. Theo biểu thuế mới, có tổng cộng 1.654 dòng thuế phải thực hiện cắt giảm theo cam kết WTO. Trong số các nhóm hàng giảm theo cam kết và gộp thuế, đối với các nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn, nhất là xăng dầu, ô-tô, xe máy, linh kiện và máy móc thiết bị, sắt thép thì các mức thuế dự kiến cho các nhóm này đều là mức trần WTO.

Tuy nhiên, điều khiến dư luận hết sức quan tâm là cùng với quá trình cắt giảm thuế thì thị trường ô-tô nhập khẩu trong quý 1 và nửa đầu quý 2-2010 vô cùng ảm đạm và tiếp tục đà tụt dốc. Các doanh nghiệp nhập khẩu ô-tô luôn phải loay hoay với các giải pháp mang tính ngắn hạn nhằm đẩy mạnh kinh doanh khi các chính sách kiểm soát nhập siêu được thắt chặt và đó cũng là lúc lượng xe con về cảng giảm mạnh, khách hàng cũng ít viếng thăm showroom.

Trước thực trạng này, nhiều thông tin cho rằng những nguyên nhân tác động đến dòng xe nhập khẩu về thị trường nội địa, đó là chính sách ưu đãi về thuế VAT, phí trước bạ bị cắt bỏ; giá tính thuế được Hải quan áp cao hơn khoảng 2-20% so với cũ; cộng với chính sách hạn chế cho vay nhập khẩu ô-tô và tiêu dùng. Bên cạnh đó, nhằm kiểm soát nhập siêu, Bộ Công Thương còn dự định đưa mặt hàng xe dưới 16 chỗ loại chưa qua sử dụng vào diện phải kiểm soát về thủ tục và quy định về đăng kiểm khi cho phép dòng xe này chỉ được nhập khẩu về Việt Nam qua các cửa khẩu cảng biển quốc tế: Cái Lân-Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu. 

Song bước sang tháng 5, thị trường ô-tô nhập khẩu đã có sự bứt phá mạnh mẽ. Kim ngạch nhập khẩu các loại ô-tô nguyên chiếc trong tháng đã tăng 52,1% về lượng và 44,1% về giá trị so với tháng 4-2010. Theo số liệu thống kê vừa được Tổng cục Hải quan cập nhật, kim ngạch nhập khẩu ô-tô nguyên chiếc tháng 5-2010 hơn 88,5 triệu USD (với 5.338 xe). Điểm đáng chú ý là mức tăng mạnh mẽ của kim ngạch nhập khẩu ô-tô nguyên chiếc tháng vừa qua đã nằm ngoài dự tính của các nhà phân tích. Và khẳng định một điều: Những tác động từ thuế không ảnh hưởng nhiều đến thị trường ô-tô nhập khẩu mà lâu nay không ít người lầm tưởng.

Đại diện một số showroom ô-tô trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cho biết, suốt gần 3 tháng qua, lượng xe họ bán ra rất ít nên việc lượng xe thông quan tăng vọt trong thời gian qua là một thực tế cần được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, do giai đoạn thấp điểm của thị trường chuẩn bị đi qua nên nhiều doanh nghiệp nhập khẩu lớn đang bắt đầu tăng cường nguồn hàng để đón đầu thị trường.

Rõ ràng không thể phủ nhận vai trò của công cụ thuế trong điều tiết nền kinh tế vĩ mô. Và việc thị trường ô-tô có những diễn biến bám sát theo chính sách cũng là thể hiện tính hiệu quả của chính sách. Việc áp dụng biểu thuế này vẫn thực hiện theo nguyên tắc nhất quán từ trước đến nay và hoàn toàn phù hợp với lộ trình thuế mà Việt Nam đã ký cam kết khi gia nhập WTO, các cam kết này và các nguyên tắc đều thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Và để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp cũng như kích cầu tiêu dùng, vừa qua Chính phủ đã ban hành một số giải pháp về giảm thuế và giãn thời hạn nộp thuế cho một số loại hình doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như ô- tô.

Bài và ảnh: Thành Lân

;
.
.
.
.
.