Với vốn đầu tư 5,473 tỷ đồng, từ năm 1999 đến nay, huyện Hòa Vang triển khai bảo vệ 3.920 ha rừng (năm 2009 chỉ giao bảo vệ 1.920ha), chăm sóc 2.686ha và trồng mới 627,7ha thuộc Chương trình 5 triệu ha rừng của Chính phủ (Dự án 661). Đến nay, nhiều khu vực rừng của dự án được bảo vệ nghiêm ngặt, tài nguyên không ngừng được bổ sung, đã và đang góp phần rất lớn vào phòng hộ đầu nguồn.
Rừng trồng của Dự án 661 tại khu vực đầu nguồn hồ Đồng Nghệ. |
Cùng Ban Quản lý dự án 661 huyện Hòa Vang, chúng tôi đến một số khu vực triển khai việc bảo vệ, chăm sóc, trồng rừng tập trung và nhận thấy dự án đem lại kết quả khá thiết thực. Nhiều khu vực rừng tự nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt, khá nhiều diện tích rừng trồng đã phủ kín loại cây từ 6-10 năm tuổi.
Rừng dự án là rừng tự nhiên khu vực phòng hộ đầu nguồn hồ Đồng Nghệ và hồ Hòa Trung. Tại đầu nguồn 2 hồ lớn này, rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, không phát hiện dấu hiệu bị xâm hại. Trên các dãy núi cao vẫn hiện hữu vô số cây gỗ to thẳng nối nhau trùng điệp.
Ông Trần Công Hiệp, Phó Ban Quản lý dự án 661 huyện cho biết: Đầu nguồn hồ Đồng Nghệ, dự án có 1.258 ha luôn được bảo vệ chu đáo. Trước đây, Ban Chỉ huy Quân sự huyện bảo vệ, 3 năm trở lại đây khối nội chính UBND xã Hòa Khương đảm nhiệm. Địa phương đã thành lập các tổ chuyên trách bảo vệ, thường xuyên tuần tra, truy quét nên rừng không bị xâm hại. Chỉ vào khu vực có nhiều cây gỗ to, ông nói: Nếu bị xâm hại, những cây gỗ to như vậy sẽ không còn.
Tại đây, nhiều năm nay chưa phát hiện tình trạng khai thác gỗ trái phép. Duy chỉ năm 2004, một số người ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) sang khu vực rừng dự án của huyện Hòa Vang khai thác bị phát hiện bắt giữ và truy tố trước pháp luật. Từ đó đến nay, rừng khu vực này hoàn toàn bình yên. Tương tự, rừng đầu nguồn hồ Hòa Trung cũng được bảo vệ nghiêm ngặt. Ông Huỳnh Tân, Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ trước đến nay không xảy ra tình trạng khai thác gỗ trái phép ở khu vực đầu nguồn hồ Hòa Trung. Người dân ở đây, tuy đời sống còn khó khăn nhưng ai cũng tự giác bảo vệ rừng. 955 ha do khối nội chính của UBND xã và 7 hộ dân đảm nhiệm và họ đang làm hết trách nhiệm để bảo vệ rừng đầu nguồn được bình yên. Không những vậy, thông qua hoạt động này, UBND xã có kinh phí bổ sung cho ngân sách và các hộ dân có thêm thu nhập.
Đến nay, trong số 627,7 ha rừng trồng của dự án có khoảng 500 ha rừng keo lá tràm và sao đen 6-10 năm tuổi phủ kín. Việc chăm sóc triển khai đến nơi đến chốn nên cây trồng phát triển tốt và đều. Hiện những khu rừng này không chỉ có giá trị về kinh tế mà rất ý nghĩa về phòng hộ đầu nguồn. Tuy vậy hơn 100 ha rừng trồng của dự án, cây cối khá thưa thớt, nhiều năm không chăm sóc, dây leo phủ kín. Dọc các triền núi xung quanh hồ Đồng Nghệ, khu vực bình độ thấp là những khu rừng trồng kém hiệu quả. Ông Hiệp cho rằng: sau mấy lần bão, cây cối bị gãy đổ, hơn nữa, trồng theo kiểu hỗn giao giữa sao đen và keo lá tràm rất bất cập. Khi keo lá tràm bị gãy đổ làm hư hại đến sao đen. Nhiều năm nay không có kinh phí chăm sóc, một số khu vực rừng trồng gần như trở thành rừng tự nhiên. Hiện Ban Quản lý dự án đang lập kế hoạch trồng lại bằng cây bản địa.
Kế hoạch năm nay, ngoài 2 khu vực đầu nguồn hồ Đồng Nghệ, hồ Hòa Trung, công tác bảo vệ rừng triển khai thêm ở xã Hòa Bắc tại các tiểu khu 7-8-9-10 thuộc địa phận các thôn An Định, Nam Yên, Lộc Mỹ và Nam Mỹ. Khu vực này từ trước đến nay luôn là điểm nóng về khai thác gỗ trái phép vừa chuyển giao cho huyện Hòa Vang quản lý năm 2009. Cũng theo ông Hiệp, năm nay cùng với việc bảo vệ 3.920 ha rừng tự nhiên khu vực xung yếu, sẽ triển khai trồng mới 125 ha cây bản địa. Đến nay, Ban Quản lý dự án đã ký hợp đồng bảo vệ rừng với khối nội chính của UBND 4 xã, Bộ đội Biên phòng thành phố và Ban nhân dân 4 thôn Nam Mỹ, Lộc Mỹ, Nam Yên, An Định xã Hòa Bắc.
Bài và ảnh: Nguyễn Cầu