.

Dự án cho hộ đặc biệt nghèo

.

Không như các địa phương khác giúp đỡ hộ đặc biệt nghèo vươn lên bằng  tư vấn cách làm ăn kèm theo hỗ trợ phương tiện, dụng cụ để mưu sinh, quận Ngũ Hành Sơn dành cho đối tượng này một dự án sản xuất nấm ăn.

Các lao động hộ đặc biệt nghèo ở Ngũ Hành Sơn sản xuất bịch nấm. 

Đến nay, quận đã đầu tư 169 triệu đồng xây dựng cơ sở sản xuất bịch nấm ở phường Hòa Quý. Tại cơ sở này, lao động của hộ đặc biệt nghèo được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm; mỗi hộ nhận 500 bịch (trị giá 2 triệu đồng) đã cấy giống về chăm sóc, thu hoạch. Với cách làm này, không chỉ các hộ đặc biệt nghèo có việc làm, thu nhập ổn định mà địa phương xây dựng được tổ hợp sản xuất bịch nấm làm tiền đề phát triển làng nghề sản xuất nấm ăn  quy mô đầu tư 1,1 tỷ đồng đã phê duyệt.

Ông Nguyễn Vinh Cường là chủ hộ đặc biệt nghèo ở tổ 30 Khái Tây, phường Hòa Quý. Ngày cơ sở sản xuất bịch nấm ra đời, ông là một trong những người đầu tiên đến dự tập huấn và tham gia đóng bịch nấm mỡ. Sự nỗ lực của ông được đền đáp xứng đáng. 500 bịch nấm dự án cấp nay đã cho thu hoạch đều đều. Ông cho biết: Sản xuất nấm ăn không khó. 20 ngày kể từ khi nhận bịch đã cấy giống về chăm sóc là có thu hoạch. Mỗi lứa như vậy kéo dài chừng 60 ngày. Chăm sóc tốt, ngày nào cũng có thu. Tính ra cả lứa thu khoảng 250 kg nấm. Với giá 15 nghìn đồng/kg như hiện nay, nguồn lợi dự án đem lại xấp xỉ 4 triệu đồng trong thời gian 3 tháng. Theo ông, tăng số bịch nấm gấp 3 - 4 lần hiện nay, thu nhập của hộ đặc biệt nghèo sẽ được cải thiện đáng kể.

Cũng như hộ ông Cường, hiện ở Hòa Quý ít nhất có 7 hộ thuộc diện đặc biệt nghèo đã có thu nhập từ nấm ăn. Ông Võ Định ở tổ 21, người có kinh nghiệm và sản xuất thành công nấm ăn cho rằng: hoạt động kinh tế này khá hiệu quả. Có điều cần nắm chắc kỹ thuật và chăm sóc đúng quy trình, nếu không dễ bị hư hỏng khi thời tiết quá nóng. Theo ông, dự án cần triển khai sản xuất thêm nấm rơm, bởi nấm rơm giá thành cao, vào ngày rằm, mồng một bán 80 - 100 nghìn đồng/kg.

Ông Huỳnh Cự, Trưởng phòng Kinh tế quận Ngũ Hành Sơn cho biết: Dự án bước đầu đạt kết quả khả quan. Thời gian tới sẽ tiến hành chuyển giao cho 95 hộ thuộc diện đặc biệt nghèo còn sức lao động trên địa bàn tiếp cận với lĩnh vực này. Hiện tại, nhiều hộ chưa mặn mà với việc sản xuất nấm do họ lo ngại khâu tiêu thụ. Vấn đề này, phòng có kế hoạch bao tiêu sản phẩm cho các hộ trồng nấm thông qua việc lập tổ chuyên tiêu thụ. Hằng ngày, tổ này đến từng hộ sản xuất nấm thu gom đưa ra thị trường. Để dự án phát triển theo kế hoạch, góp phần đẩy nhanh xóa nghèo tại địa phương, mỗi tổ chức đoàn thể chịu trách nhiệm vận động 5-10 hộ tham gia. UBND quận vừa trích ngân sách mua cho tổ tiêu thụ nấm 1 tủ lạnh loại lớn để bảo quản.

Cùng với sản xuất nấm, 10 lao động các hộ đặc biệt nghèo ở Ngũ Hành Sơn đã hình thành một dây chuyền may công nghiệp từ sự hỗ trợ 10 máy may của Công ty Dệt-may Dacotex và UBND quận hỗ trợ 40 triệu đồng nâng cấp cơ sở may tại phường Hòa Quý. Dây chuyền này sẽ may gia công cho công ty hỗ trợ máy, với mức lương khoảng 1,5 triệu đồng/người/ tháng.

Có thể nói, các hộ đặc biệt nghèo ở Ngũ Hành Sơn đã được chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể quan tâm tạo điều kiện tốt nhất về việc làm. Từ những hoạt động thiết thực này là cơ sở thuận lợi nhất cho họ cải thiện thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Với các bước đi thích hợp kể trên, tin chắc công tác xóa nghèo ở Ngũ Hành Sơn sớm về đích.

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu

;
.
.
.
.
.