Trong thời kỳ bao cấp, Cảng Đà Nẵng là cảng lớn xếp thứ 3 Việt Nam; trong thời kỳ kinh tế thị trường, cụm cảng khu vực phía Bắc, phía Nam có sản lượng hàng hóa phát triển vượt bậc, vì các cảng này gắn liền với vùng hậu phương châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long. Riêng về Cảng Đà Nẵng, muốn phát triển mạnh mẽ phụ thuộc rất lớn vào sự phát triển kinh tế vùng hậu phương: Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan.
Hội thao Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam do Cảng Đà Nẵng đăng cai tổ chức. |
Đảng bộ Cảng Đà Nẵng xác định, vùng hậu phương trong nước của Cảng bao gồm các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum (các tỉnh vùng trọng điểm kinh tế miền Trung có GDP tăng trưởng hằng năm từ 10 đến 13%). Vùng hậu phương tiềm năng là các tỉnh Nam Lào – Đông Bắc Thái Lan dọc theo tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây. Các năm qua, sản lượng hàng hóa qua Cảng vẫn tăng trưởng khá. Giai đoạn 2006-2010, sản lượng tăng trưởng bình quân 9% trong đó hàng container tăng bình quân 25%. Năm 2010, Cảng phấn đấu đạt sản lượng 3,4 triệu tấn, trong đó hàng container đạt 90.000 teus, tăng 30%. Tuy nhiên khối lượng hàng qua Cảng từ Nam Lào - Đông Bắc Thái Lan chỉ chiếm từ 2-3% tổng số hàng hóa của Cảng Đà Nẵng. Trong lúc dự án khả thi nâng cấp Cảng Đà Nẵng giai đoạn I của JICA Nhật Bản dự báo sản lượng hàng quá cảnh đến năm 2010 là 735.000 tấn.
Hàng hóa quá cảnh qua các cảng duyên hải miền Trung, trong đó có Cảng Đà Nẵng quá ít, nguyên nhân chủ yếu là kinh tế dọc theo tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây kém phát triển, hàng hóa vận chuyển một chiều, giá cước vận tải cao, các trở ngại trên giao thông đường bộ, thủ tục hàng hóa quá cảnh tại cửa khẩu Việt Nam còn rườm rà và chậm so với phía Lào, Thái Lan. Tuy nhiên, theo đánh giá của các tổ chức tư vấn quốc tế, tiềm năng phát triển kinh tế trên hành lang kinh tế là rất lớn. Nam Lào gồm các tỉnh Attapu, Salavan, Sekong, Champasak và Savanakhet; dân số khoảng 2 triệu (năm 2008). So với Bắc, Trung Lào thì kinh tế ở đây kém phát triển hơn nhưng lại có tài nguyên phong phú: Cao nguyên Boloven có khí hậu, thổ nhưỡng cho trồng cà-phê, cao su, thuốc lá, cây công nghiệp giấy,... Nam Lào còn là nơi nhiều khoáng sản, lâm sản.
Vùng Đông Bắc Thái Lan có 19 tỉnh, dân số khoảng 18 triệu, hành lang kinh tế đi qua các thành phố lớn như Khonkaen, Yasothon, Mukdahan. Kinh tế Đông Bắc Thái Lan có nông nghiệp và công nghiệp chế biến phát triển, sản phẩm hàng hóa chủ yếu: gạo, bắp, sắn lát, đường, cà-phê, cao su, cây công nghiệp. Sản phẩm nhập khẩu của vùng bao gồm thiết bị, máy móc, phân bón, vật liệu xây dựng và hàng hóa tiêu dùng.
Qua tìm hiểu thông tin thị trường và năng lực của Cảng, lãnh đạo Cảng Đà Nẵng xác định mục tiêu đến năm 2015 hàng hóa thông qua khu vực Cảng là 6 triệu tấn. Trong đó hàng container đạt 250.000 teus, hàng quá cảnh chiếm 15%. Thị trường của Cảng Đà Nẵng được mở rộng sang 5 tỉnh của Nam Lào và các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan. Đối với tàu khách và hành khách du lịch bằng đường biển, phấn đầu hằng năm tăng trưởng 25% để đến năm 2015 đạt 150.000 lượt khách qua Cảng Đà Nẵng.
Để khai thác tiềm năng vùng hậu phương mới, về phía Cảng Đà Nẵng đã đề ra các chương trình kế hoạch dài hạn và các giải pháp cụ thể để thực hiện. Tuy nhiên, ngoài sự phát huy sức mạnh của nội lực, Cảng Đà Nẵng rất cần sự hỗ trợ của thành phố Đà Nẵng, các bộ, ngành của Trung ương về chính sách khuyến khích các nhà đầu tư, có cơ chế chính sách nhằm rút ngắn các thủ tục xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua biên giới, xây dựng tiêu chuẩn giao thông chung xuyên quốc gia, nâng cấp đường bộ và giảm phí trọng tải, phí luồng lạch…
NGUYỄN HỮU SIA