.

Chính phủ: Vinashin nợ hơn 80.000 tỷ đồng

.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi họp báo chiều 2-7 - Ảnh: T. Nguyên.

Việc tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) mang tính tổng thể chứ không phải chỉ nhằm giảm nợ cho tập đoàn này.

Đó là khẳng định của Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều 2-7.

Không “nuông chiều” Vinashin

Tại buổi họp báo, trả lời các câu hỏi của báo giới liên quan đến việc tái cơ cấu Vinashin, ông Phạm Viết Muôn cho biết, Vinashin là tập đoàn trực tiếp thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp đóng tàu của Việt Nam nên chắc chắn sẽ được Chính phủ quan tâm.

Tuy nhiên, theo ông Muôn, hoàn toàn không có chuyện ưu ái hay “nuông chiều” quá mức của Chính phủ đối với tập đoàn này, vì đây cũng chỉ là một trong rất nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác.

Việc để xảy ra những tồn tại của Vinashin hiện nay có nguyên nhân bên ngoài, có nguyên nhân bên trong, nhưng nguyên nhân bên trong là chủ yếu. Đó chính là vấn đề đầu tư dàn trải, quản trị yếu kém...

Chính phủ đã yêu cầu kiểm điểm cá nhân, tập thể, ban tổng giám đốc liên quan đến những yếu kém tại tập đoàn. Theo ông Muôn, chính điều này đã hơn cả một lời xin lỗi từ Vinashin vào lúc này.

Liên quan đến việc chuyển giao các dự án của Vinashin, ông Muôn nói, đúng là trong số đó có những dự án, doanh nghiệp thuộc ngành nghề chính của Vinashin, song trong số các dự án đó, có dự án đã đầu tư, có dự án chỉ mới có tên như Khu công nghiệp Lai Vu, nhà máy đóng tàu đặc chủng...

Về số dự án chuyển cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), ông Muôn cho hay, đúng là việc chuyển giao này có thể sẽ mang lại khó khăn cho đơn vị này nhưng sẽ không khó khăn bằng nếu để lại cho Vinashin quản lý.

“Mong muốn của Chính phủ là tạo ra một tập đoàn vận tải viễn dương mạnh đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, nên mới tính đến phương án chuyển về cho Vinalines”, ông Muôn nói.

Liên quan đến các khoản nợ của Vinashin, ông Muôn cho biết, hiện tổng tài sản của tập đoàn này là 19.000 tỷ đồng, nhưng dư nợ là hơn 80.000 tỷ đồng. Khi tái cơ cấu sẽ chuyển một khoản nợ tương đương khoảng 20.000 tỷ đồng sang các doanh nghiệp khác.

Trả lời câu hỏi của VnEconomy về việc liệu có hay không mâu thuẫn trong mục tiêu giảm nợ nhưng lại chuyển các dự án có triển vọng và lại thuộc lĩnh vực chính của Vinashin, ông Muôn khẳng định, Chính phủ quyết định tái cơ cấu Vinashin không phải vì mục tiêu giảm nợ mà nhằm 4 mục tiêu tổng thể hơn.

Đó là, thứ nhất là duy trì và phát triển ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển. Thứ hai là nhằm sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất đã và đang đầu tư vào tập đoàn này. Thứ ba là không ảnh hưởng tiêu cực đến các tổ chức tín dụng và cuối cùng là để đảm bảo đời sống, việc làm cho người lao động tại tập đoàn này.

Còn việc chuyển dự án thuộc lĩnh vực chính của Vinashin, ông Muôn thừa nhận là có thực tế đó, song theo ông nếu để lại thì tập đoàn này sẽ không có vốn để tiếp tục đầu tư, nên phải chuyển sang doanh nghiệp đang có khả năng tài chính.

Ngoài ra, ông Muôn cũng khẳng định, việc quyết định tái cơ cấu Vinashin trước thời điểm Thanh tra Chính phủ chuẩn bị tiến hành thanh tra tập đoàn này cũng không ảnh hưởng gì đến hoạt động này, bởi thanh tra Vinashin là thanh tra theo kế hoạch, hơn nữa đây lại là thanh tra toàn diện, chứ không chỉ là thanh tra tài chính.

Kết luận về những vấn đề liên quan đến tái cơ cấu Vinashin, ông Muôn khẳng định, tái cơ cấu là hoạt động bình thường của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, sau Vinashin sẽ đến tập đoàn khác.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận có sự lơ là giám sát của các bộ, ngành đối với hoạt động kinh doanh của Vinashin, cũng như một số tập đoàn khác. Thậm chí có một số tập đoàn, tổng công ty đã quyết định mua tài sản rồi, mua tàu rồi nhưng sau đó các bộ, ngành mới biết.

“Việt Nam cũng đã tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, nhưng chúng ta có chiến lược phát triển kinh tế biển, cơ khí chế tạo riêng. Hơn nữa, những năm trước đây, kinh tế thế giới ổn định nên hoạt động của Vinashin rất khả quan, tập đoàn này đã có nhiều hợp đồng đóng tàu giá trị hàng tỷ USD nên phải đầu tư”, ông nói.

Quý 3 sẽ giảm tiếp lãi suất

Trả lời cầu hỏi về việc lãi suất hiện vẫn ở mức cao, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, trong 6 tháng đầu năm, lãi suất huy động đã giảm 0,7%, lãi cho vay giảm 1%. Điều này đã đưa tới kết quả tích cực là lãi suất huy động bình quân hiện nay là 11%, lãi suất cho vay bình quân khoảng 13,4%.

Đặc biệt, ông Bảo cho biết từ 1/7, các ngân hàng thương mại nhà nước đã quyết định cho vay đối với sản xuất nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu từ 12 -12,5%.

Cũng theo ông Bảo, vừa qua, Hiệp hội Ngân hàng đã họp với các thành viên và sau đó đã có báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước là sẽ tiếp tục lộ trình giảm lãi suất huy động và cho vay trong quý 3 năm nay theo chủ trương của Chính phủ.

Còn theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước, lạm phát đang có xu hướng giảm, cân đối vốn của hệ thống ngân hàng là tương đối tốt, biểu hiện bằng việc tăng trưởng huy động vốn đã cao hơn tăng trưởng cho vay, tính thanh khoản được cải thiện và các ngân hàng thương mại đều đảm bảo thanh khoản và đồng thuận trong chủ trương giảm lãi suất.

Ngoài ra, lãi suất trái phiếu Chính phủ đang giảm mạnh, với kỳ hạn 3 năm chỉ còn dưới 7%. Xu hướng lãi suất sẽ tiếp tục ổn định, phù hợp với các mục tiêu kinh tế vĩ mô.

Liên quan đến trách nhiệm của các đơn vị để xảy ra cắt điện trên diện rộng ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sông của người dân trong thời gian qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho hay, do năm nay thời tiết diễn biến rất phức tạp, nắng nóng hạn hạn liên tục xảy ra, vì vậy các hồ chứa cạn kiệt, trong khi cơ cấu ngành điện thì có đến 42% là từ thủy điện.

Cũng theo ông Phúc, trong báo cáo kiểm điểm 6 tháng đầu năm của Bộ Công Thương, sản lượng điện tăng gần 17% nhưng điện vẫn thiếu, vì có một phần từ khuyết điểm về mặt dự báo sản lượng của các dự án điện.

“Điều hành quản lý, tiết kiệm điện hiện vẫn có nhiều vấn đề bất cập nên Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Bộ Công Thương đã thẳng thắng nhận khuyết điểm trước Thủ tướng”, ông Phúc cho hay.

Theo VnEconomy

;
.
.
.
.
.