.

Gian nan kìm... giá cước

.

Bốc dỡ hàng container tại Cảng Tiên Sa.
Theo Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, bước sang năm 2010, giá cước vận tải hàng hóa từ các cảng của Việt Nam vốn đã cao hơn các nước trong khu vực nay lại càng tăng thêm. Đặc biệt vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua, có thời điểm giá cước hàng hóa xuất từ cảng Việt Nam đã cao hơn mức trung bình của thế giới đến 50-60%. Điều này là một bất lợi lớn cho những nhà xuất khẩu trong nước lẫn các cảng biển của Việt Nam.

Theo phản ánh của các nhà xuất khẩu thủy sản tại Đà Nẵng, ở thời điểm cuối tháng 6 vừa qua, một container (loại 20 feet) xuất từ Cảng Tiên Sa sẽ cao hơn các cảng trong khu vực khoảng 500 USD. Điều này cũng có nghĩa giá thành của sản phẩm thủy sản từ Đà Nẵng phải gánh thêm chi phí đầu vào nên việc cạnh tranh giá trên thị trường vô cùng khó khăn cho các nhà sản xuất địa phương.
 
Tuy nhiên cũng theo các nhà xuất khẩu thủy sản, mặc dù xuất từ Cảng Đà Nẵng giá cước cao như vậy nhưng cũng không thể tính đến phương án chuyển hàng vào Cảng Sài Gòn để xuất vì giá cước vận tải hàng hóa đường bộ cũng tăng. Đó là chưa kể đến đặc điểm của hàng đông lạnh, nếu vận chuyển đường bộ quá dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Không riêng gì mặt hàng thủy sản mà nhìn chung giá cước các loại hàng được xuất từ Cảng Đà Nẵng đều cao hơn các cảng trong khu vực từ 300-400 USD/container (loại 40 feet).

Ông Nguyễn Hữu Sia, Phó Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng cho biết, thực tế lâu nay giá cước xuất từ các cảng biển Việt Nam nói chung và Cảng Đà Nẵng nói riêng đều cao hơn trong khu vực. Đây là hệ quả của rất nhiều yếu tố có tính chất dây chuyền mà cuối cùng là các cảng biển phải gánh chịu. Ví dụ như với Cảng Đà Nẵng vốn đứng chân trên địa bàn khá hẹp, tiềm lực kinh tế còn nhiều hạn chế, đã vậy cảng biển lại khá nhiều nên việc hạ giá thành vận chuyển vô cùng khó khăn. Đặc biệt, việc tỉnh nào cũng có cảng biển, đã khiến cho cự ly vận tải hàng từ các nơi về Cảng Đà Nẵng vốn đã khá xa nay lại càng kéo dài thêm ra (vì phải khai thác thị trường xa). Đây là một trong những yếu tố khiến cho giá cước đường bộ trong khu vực khó hạ xuống và cuối cùng là giá cước vận tải đường biển cũng phải tăng theo.

Tuy nhiên sự chủ động đứng ra “gánh trách nhiệm” từ Cảng Đà Nẵng, đã cho thấy giá cước hàng đường biển qua Cảng Đà Nẵng đang có xu hướng giảm và có thể giảm tiếp trong thời gian đến. Đầu tiên, thông qua thương lượng với hãng vận tải vừa là hãng vỏ Wan Hai, giá cước từ Đà Nẵng đến các thị trường Nhật, Mỹ, châu Âu đã giảm đến 40%; tương tự là trường hợp với đối tác IAL, giá cước vận chuyển cũng đã hạ khoảng 10% so với trước đây.

Bên cạnh đó cùng với sự nỗ lực phối hợp của Hiệp hội Vận tải hàng hóa thành phố,  gần đây giá cước vận tải từ Đà Nẵng so với hai đầu đất nước cũng khá cạnh tranh. Ví dụ, vận chuyển một container hàng loại 20 feet từ Đà Nẵng đi thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có mức giá phổ biến là 7-8 triệu đồng. Tuy nhiên cũng một container tương tự nhưng đi từ thành phố Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng lại có giá trung bình 12-14 triệu đồng.

Đây được xem là những tín hiệu tốt để trong thời gian đến với sự hợp tác chặt chẽ của các đối tác làm ăn, giá cước từ các cảng miền Trung nói chung và Cảng Đà Nẵng nói riêng sẽ giảm dần và có thể cạnh tranh được với các cảng trong khu vực.

Bài và ảnh: Thanh Vân

;
.
.
.
.
.