.

Lãi suất đã giảm, doanh nghiệp vẫn chờ...

.

Khách hàng đến NH tìm hiểu thông tin về LS để vay vốn.
Đến thời điểm này, hầu hết các Ngân hàng Thương mại (NHTM) trong nước đã hạ lãi suất (LS) huy động tiền đồng về mốc 11,2%/năm theo đúng cam kết về điều chỉnh hạ LS của liên NH vào đầu tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên, mức LS cho vay được không ít NH áp dụng ở mức khá cao, khiến nhiều doanh nghiệp phải đắn đo chờ LS hạ thêm nữa mới quyết định làm thủ tục vay vốn.

LS đang hạ theo cung - cầu thị trường

Theo phản ảnh của các DN, trong 6 tháng đầu năm 2010, LS huy động và cho vay ở các NH cơ bản đã phản ánh đúng thực tế nhu cầu vốn của các DN, các loại LS cho vay cũng như huy động đã được NH công khai minh bạch và cụ thể hơn. Ông Lê Viết Tới, Giám đốc Công ty TNHH Tân Phước Sang cho biết: Đã là DN kinh doanh ai mà chẳng cần vốn để đầu tư mở rộng sản xuất. Và nếu từ nay đến cuối năm, LS cho vay tiếp tục được giảm xuống nữa, DN sẽ dễ thở hơn. Xét mặt bằng LS cả cho vay lẫn huy động trong những tháng đầu năm 2010, nhìn chung mặt bằng LS tương đối ổn định và đang dần được kéo xuống theo đúng định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, mức LS ở các NHTM cổ phần áp dụng vẫn cao hơn so với mức LS ở các NHTM Nhà nước. Trong khi đó, các DN hoạt động sản xuất với quy mô nhỏ, rất khó có thể tiếp cận được nguồn vốn vay từ các NHTM Nhà nước vì nhiều lý do như thiếu điều kiện về thủ tục vay vốn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện mức LS cho vay ở khối NHTM Nhà nước ở kỳ hạn ngắn hạn dao động từ 12%-17,4%/năm và phổ biến ở mức 14% năm; LS cho vay trung và dài hạn từ 13% - 17,5%/năm và phổ biến ở mức 14,5%/năm. Khối NHTM cổ phần, LS cho vay ngắn hạn từ 13%/năm-18%/năm và phổ biến ở mức 15,5%/năm… Giám đốc một NHTM cổ phần trên đường Nguyễn Văn Linh cho rằng: Với mức LS huy động và cho vay như hiện nay là phù hợp với mặt bằng chung của thị trường, tuy nhiên trước biến động của nền kinh tế, Chính phủ và NHNN tiếp tục kêu gọi các NH chung tay giảm LS cho vay để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Cũng theo sự chỉ đạo của NHNN vào cuối tháng 6, các NHTM đều thống nhất sẽ có kế hoạch giảm lãi suất xuống còn từ 12-12,5% thay vì từ 13-15% như hiện nay; lộ trình thực hiện bắt đầu từ đầu tháng 7 đến hết tháng 9-2010. Vietinbank là NH đầu tiên công bố chính sách LS cho vay mới bắt đầu thực hiện từ 1-7 tới, tối đa 12,5%/năm đối với 3 nhóm đối tượng là nông nghiệp nông thôn; doanh nghiệp xuất khẩu; DN vừa và nhỏ. Nhưng trên thực tế, LS cho vay ở thời điểm này vẫn ở mức khá cao và DN vẫn kỳ vọng vào một đợt giảm LS thêm nữa.

DN vẫn chờ...

Mặc dù LS cho vay được không ít NH điều chỉnh giảm xuống, nhưng theo một số NH trên địa bàn thành phố thì đến thời điểm này, tỷ lệ DN đến vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh cũng không tăng hơn so với các tháng trước. Điều này cho thấy, nhiều DN vẫn có tâm lý chờ đợi các động thái mới từ NH rồi mới quyết định lựa chọn NH nào để vay vốn. Giám đốc một DN sản xuất sắt thép tại KCN Hòa Khánh cho rằng: Thông thường vào những tháng cuối năm, nhu cầu vay vốn của các DN là rất lớn. Khi biết tin các NH  thực hiện lộ trình giảm LS cho vay,  các DN đều rất hoan nghênh. “Hiện đã có một vài NH thực hiện giảm LS nhưng DN chúng tôi vẫn muốn chờ đợi thêm một thời gian nữa để xem NH nào có mức LS hợp lý rồi mới quyết định làm thủ tục vay vốn. Và chắc chắn rằng, khi LS được điều chỉnh giảm xuống, NH sẽ kiểm soát kỹ càng hơn các khoản vay của DN nên chúng tôi cũng đã có kế hoạch điều hành sản xuất ổn định, tạo niềm tin cho NH”, lãnh đạo một DN cho hay.

Có thể thấy với việc thực hiện lộ trình giảm LS cho vay, các NH hiện nay sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với thời điểm trước, bởi khi giảm LS cho vay sẽ kéo theo LS huy động vốn cũng giảm theo, như vậy, tiền gửi NH sẽ không còn là sự lựa chọn số một của nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính thì trong thời điểm hiện nay, đầu tư nguồn tiền vào các NH vẫn là một trong những kênh đầu tư an toàn nhất trong nước. Vì vậy, để cân đối các mục tiêu, bảo đảm hài hòa các lợi ích, các NH đều cần phải đưa ra các chiến lược khách hàng, có những biện pháp tích cực để huy động vốn phù hợp với mặt bằng chung của địa bàn, hạn chế việc dịch chuyển vốn sang các ngân hàng khác. Đặc biệt, đối với các khoản vay lớn, các NH nên rà soát kỹ càng hơn, ưu tiên lựa chọn những khách hàng truyền thống, uy tín có dự án khả thi, kinh doanh hiệu quả và có năng lực tài chính tốt để cho vay.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.