.

Mỏi mắt chờ công nhân

.

Đơn đặt hàng đầy ắp khiến nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu chưa bao giờ cần nhiều công nhân như hiện nay. Tình trạng thiếu lao động phổ thông trầm trọng đang làm đau đầu không ít nhà sản xuất. Thông tin tuyển dụng được đăng khắp nơi nhiều tháng liền cũng không ăn thua.

Cần 100, tuyển chỉ được 30

Những thông tin tuyển dụng xem ra không còn thu hút sự chú ý của người lao động. 

Mấy tháng nay, hầu như ngày nào Công ty Vinakad chuyên sản xuất và xuất khẩu đồ vest cũng tuyển công nhân vào làm. Trong khi số hồ sơ dự tuyển vào các vị trí văn phòng rất nhiều, thì số đăng ký vào làm công nhân chỉ lèo tèo một, hai người. Giỏi lắm, Vinakad chỉ tuyển được khoảng 30% số lượng cần. Nhiều DN cho hay, đơn đặt hàng xuất khẩu năm nay đã kín đến tháng 11, tăng gấp rưỡi so với năm ngoái. Nhiều doanh nghiệp như Mabuchi Motor, Dệt Hòa Thọ, Hữu Nghị, Keyhing Toys... dù làm đủ cách: treo băng-rôn, quảng cáo trên báo chí, phát tờ rơi... thông báo cần từ 200 công nhân trở lên mà vẫn không thể tuyển đủ.

Thêm vào đó, kỳ vọng tìm kiếm việc làm có thu nhập cao hơn, công nhân thường xuyên nhảy việc khi chỉ mới làm ở một DN trong vài tháng, thậm chí một ngày. Ông Hồ Sĩ Tân, Phó Giám đốc Vinakad tính toán: Mỗi tháng công ty ông mất khoảng 50-70 công nhân, số mới tuyển vào không bù nổi, lại chưa có nghề nên DN phải bỏ công đào tạo 1-2 tháng. Quá thiếu công nhân, DN đành “nhắm mắt” tuyển ngay những người chưa biết gì để họ làm những công đoạn đơn giản nhất. “Trong thời gian đào tạo, người lao động chỉ việc ngồi may thử, nhưng mình vẫn trả lương đầy đủ. Sau khi đào tạo xong mà họ bỏ mình đi cũng đành chịu”, ông Tân chia sẻ.

Tại các phiên chợ việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng tổ chức từ tháng 3 đến nay, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông rất cao so với các vị trí khác, thường từ 300 đến trên 2.500 người. Tuy nhiên, lượng người tuyển được chỉ vào khoảng 15-20% so với nhu cầu thực tế.

“Phá giá” tiền lương để hút lao động

Ngày nào các công ty dệt may cũng rất cần công nhân để sản xuất cho kịp các đơn hàng xuất khẩu.

Quyết tâm tìm cho ra công nhân, các DN rất chịu khó đi với cán bộ việc làm đến những vùng xa Đà Nẵng tuyển dụng, có nơi còn đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cùng DN đi lên miền núi Quảng Nam hoặc Quảng Bình, Quảng Trị vì không tuyển ra người ở thành phố. Theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Liên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng, người lao động có xu hướng thích lựa chọn công việc tự do, có thu nhập khá hơn lương công nhân mà không phải đóng bảo hiểm như buôn bán, cắt tóc, thợ nề...

Ngoài lý do lương thấp, rất nhiều công nhân còn bỏ việc vì chỉ làm việc thời vụ để chờ đến ngày nhập học hoặc đợi công việc khác tốt hơn. T.T.T.H, 22 tuổi, mới vào làm công nhân Công ty Mabuchi Motor chưa đầy tuần lễ cho hay, vừa tốt nghiệp ĐH Quảng Nam, chưa có việc làm nên H. làm tạm ở đây vài tháng cho đến khi tìm được việc thích hợp với chuyên môn.

Ông Tân nói rằng, hầu như công ty dệt may nào cũng ứ hàng do thiếu lao động. “Chúng tôi phải chấp nhận trả lương cao hơn mức bình thường vài trăm nghìn đồng để tuyển cho được công nhân. Nhưng về lâu dài, nếu làm vậy hoài, chúng tôi sẽ lỗ lớn”, đại diện một DN bộc bạch. Các DN đều đưa ra các hình thức hỗ trợ suất ăn, tiền thuê nhà, tiền xăng xe... khi đăng tin tuyển dụng. Thu hút công nhân về mình đôi khi trở thành một cuộc đua, mà phần thắng sẽ thuộc về DN nào chịu đưa ra mức lương cạnh tranh hơn nơi khác. Để công nhân hào hứng làm việc từ đây tới Tết, Vinakad còn cho biết, công ty sẽ mở chương trình bốc thăm trúng thưởng máy giặt, tủ lạnh... cho những ai đi làm chuyên cần.

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.