.

Thị trường mỹ phẩm giả

.

Ở nhiều chợ trên địa bàn thành phố, khá dễ dàng nhìn thấy nhiều mặt hàng “dỏm”, đặc biệt là các sản phẩm kem dưỡng da, phấn, son, màu mắt, dầu gội đầu, sữa tắm...

Đa số là hàng “nhái”

Khách hàng nên cẩn trọng khi mua mỹ phẩm tại chợ. 

Trong vai người đi tìm mối hàng mỹ phẩm về bán lẻ, khi bước chân vào các quầy hàng cung cấp mặt hàng mỹ phẩm tại chợ Cồn, tôi đã được rất nhiều chủ hàng đon đả mời chào: “Anh lấy hàng mỹ phẩm về bán lẻ hả? Quầy của em không chỉ cung cấp cho khách hàng ở Đà Nẵng, mà ngay cả khách hàng ở Quảng Nam, Quảng Ngãi... cũng thường xuyên ra đây lấy hàng. Nếu anh lấy hàng thường xuyên, giá bán sẽ mềm hơn so với các quầy khác. Anh có thể đi khảo sát giá ở những nơi khác rồi quay lại đây cũng được” - một tiểu thương quầy hàng mỹ phẩm nhanh nhẩu giới thiệu.

 Qua khảo sát ở một số quầy hàng mỹ phẩm tại chợ Cồn, chợ Hàn..., tôi ngỡ ngàng vì các mặt hàng mỹ phẩm được bày bán ở đây giá rẻ đến khó tin. Các mặt hàng đều mang nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng thế giới. Từ nước hoa có nhãn mác của hãng Calvin Klein, Lancome, Dolce & Gabbana... đến kem dưỡng da mang thương hiệu Lancome… đều có giá bán khá rẻ so với nhiều cửa hàng và nhà phân phối sản phẩm mỹ phẩm chính hãng trên địa bàn thành phố.

Đơn cử, một chai nước hoa hiệu Gucci Crush dung lượng 50ml được bày bán ở các nhà phân  phối chính hãng có giá không dưới 1 triệu đồng thì ở chợ được bán chưa đến 300 nghìn đồng. Như vậy, chỉ cần đem so sánh về giá cũng có thể khẳng định đây đều là hàng giả, hàng nhái, hàng không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thế nhưng, khi tôi hỏi nguồn gốc của hàng hóa này được nhập từ đâu mà có giá rẻ như vậy, hầu hết các chủ quầy hàng tại chợ đều khẳng định: Sỡ dĩ hàng ở đây giá rẻ hơn so với các cửa hàng bên ngoài là do họ (tiểu thương buôn bán mỹ phẩm ở chợ - PV) lấy hàng trực tiếp từ cửa khẩu Lao Bảo về.

Hàng không bị đánh thuế nên giá bán mới thấp như vậy. Nhưng khi chúng tôi đề cập đến vấn đề hàng thật hay hàng giả, thì hầu hết các tiểu thương đều trả lời họ không thể phân biệt được. “Chúng tôi chỉ quan tâm đến giá cả rẻ và hàng hóa dễ bán và bán chạy là nhập về thôi. Còn hàng giả hay hàng thật không “xài” sao biết được” – chị L, một tiểu thương buôn bán ở chợ Cồn giải thích.

Kiểm soát mỹ phẩm giả: Không dễ!

Tình trạng mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ không chỉ khiến người tiêu dùng chịu hậu quả “tiền mất, tật mang”. Qua tiếp xúc với một số khách hàng, chúng tôi được biết, đã có không ít người tiêu dùng vì ham rẻ và “sính” mác “hàng hiệu” mà mua và sử dụng các loại mỹ phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc để rồi chịu những hậu quả như dị ứng, hỏng da mặt, rụng tóc...

Vậy làm gì để ngăn chặn hàng mỹ phẩm “dỏm” tràn vào Đà Nẵng? Về vấn đề này, theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Đà Nẵng, việc phát hiện hàng giả rất khó khăn, nhất là hàng mỹ phẩm. Đây là những mặt hàng đa dạng về mẫu mã, chủng loại nên mặc dù đã thường xuyên cập nhật thông tin, được tham gia tập huấn nghiệp vụ về chống hàng giả, hàng nhái… nhưng quả thực để phân biệt hàng thật - hàng giả đối với mặt hàng này không dễ chút nào.

Ngoài những dấu hiệu cảm quan như chữ in mờ, giá rẻ bất thường, các loại kem vón cục... thì nhìn chung các loại mỹ phẩm giả được làm rất tinh vi. Muốn xác định chính xác được hàng giả phải kiểm nghiệm thành phần hoặc phải liên hệ với các đơn vị sở hữu thương hiệu mỹ phẩm đó thì mới đủ căn cứ nhận biết. Trong khi đó, để kiểm nghiệm và phân biệt hàng giả hay hàng thật mất rất nhiều kinh phí và thời gian.

Nhằm ngăn ngừa tình trạng mỹ phẩm giả, nhập lậu, không có nguồn gốc lưu thông trên thị trường Đà Nẵng, ông Trần Văn Đạm, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Đà Nẵng cho biết sẽ phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm soát, quản lý mỹ phẩm được bày bán tại các quầy hàng ở chợ và các cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm trên toàn thành phố. “Và để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng để rồi “tiền mất, tật mang”, trước hết người tiêu dùng nên đến các cửa hàng phân phối chính hãng và uy tín để được tư vấn về sản phẩm cần mua”, ông Đạm khuyến cáo.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.