.
Vấn đề bạn đọc quan tâm

Cá nóc ở Nam Ô

.

Mặc dù việc chế biến, buôn bán, kinh doanh cá nóc đã bị cấm từ lâu, nhưng tại chợ Nam Ô (quận Liên Chiểu), cá nóc vẫn được bày bán công khai. Cá nóc tươi đã lột da được bán với giá từ 30 đến 35 ngàn đồng/kg, các nóc khô giá từ 100 ngàn đến 120 ngàn đồng/kg. Trước đây, tại địa phương này cũng có những trường hợp chết người do ăn cá nóc có độc tố. Nhưng sau một thời gian tạm lắng, người dân lại tiếp tục dửng dưng, thờ ơ với những thông tin được khuyến cáo và quay lại buôn bán, sử dụng cá nóc.

Nở rộ kinh doanh cá nóc

Bày bán công khai cá nóc tại chợ.
Chúng tôi đến chợ Nam Ô vào khoảng 6 giờ sáng, thời điểm những chuyến xe thồ chở cá nóc từ cảng cá Thọ Quang về. Những gánh cá nóc nặng trĩu đánh bắt tại vùng biển Nam Ô cũng được đưa đến và tập kết tại đây. Chị Mỹ, chị Cứ, chị Một, chị Lượng ở Nam Ô 2  mua cá nóc tại bến rồi đem về chợ phân phối cho bạn hàng bán lẻ.

Cá nóc còn nguyên con được bán sỉ với giá 8 ngàn đồng/kg, rồi được những người bán lẻ lột da bán tươi với giá từ 30 ngàn đến 35 ngàn đồng/kg. Từ đây, cá nóc  được người dân ở địa phương và các vùng lân cận như Xuân Thiều, Hòa Hiệp Bắc, Hòa Liên, Hòa Khánh Bắc… mua mỗi người từ vài lạng đến một, hai ký. “Thịt gà ăn ớn chứ cá nóc ăn miết cũng còn thèm, không ớn”, chị Xí, một tiểu thương ở chợ Nam Ô cho biết như vậy.

Tại chợ Nam Ô có khoảng 6 người bán cá nóc. Mỗi người bán từ vài rổ đến vài gánh cá. Nhiều người cho biết, từ khi có quy định cấm buôn bán và sử dụng cá nóc thì các tiểu thương không bán loại cá này tại chợ, nếu có thì bán lén lút với số lượng rất ít. Tuy nhiên, không hiểu sao năm nay tại chợ Nam Ô lại buôn bán cá nóc khá công khai. Hơn nữa, nhiều bà nội trợ lại ưa chọn loại này hơn các loại cá khác, làm cho mặt hàng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm này càng thêm hút hàng, đắt khách.

Cầm con cá nóc trên tay, chị Lượng để mũi dao ngay gần sống lưng rồi cắt đầu, lôi tuột da một cách thành thạo. Xem chừng trên hàng của chị  có vài ký nóc đã được làm sạch. Theo chị Lượng,  hôm nay cá về ít, chị chỉ  mua dưới bãi được hơn 10 ký nên không chia lại cho bạn hàng mà bán lẻ để kiếm thêm đồng lời. Chị Lượng cho biết thêm, mỗi ngày chị bán khoảng vài chục ký cá nóc. Khách hàng thường xuyên của chị là những người dân Nam Ô, công nhân các khu công nghiệp. Nhiều người mua về kho để dành ăn trong nhiều ngày. Bởi vậy, năm nay cá nóc mất mùa, giá tăng gần gấp 5 lần so với trước đây nhưng vẫn được nhiều người tìm mua. 10 ký cá nóc của chị chỉ sau một lúc đã bán hết ngay.

Cũng tại chợ Nam Ô, cá nóc tươi không bán hết vào buổi sáng được lột da, rải phơi ngay tại chợ. Khoảng 10 - 12kg cá tươi nguyên con sẽ cho ra 1kg cá khô. Không chỉ ưa dùng cá nóc tươi, nhiều người còn rất ưa thích món khô cá nóc. Bởi vậy, giá mỗi kilôgam cá nóc khô lên đến hơn 100 ngàn đồng mà nhiều người vẫn tìm mua.

Không chỉ mua bán tại chợ, cá nóc còn đắt hàng ngay trên bãi biển Nam Ô. Hằng ngày, khoảng 5 giờ sáng, khi những chuyến ghe đêm vừa trở về thì nhiều người đã có mặt tại bến để tranh nhau mua từng rổ cá nóc. Chị Phạm Thị Xuân, ở Xuân Dương, phường Hòa Hiệp Nam cho biết: “Tui nói thiệt nhà tui ngày mô cũng ăn cá nóc. Hằng ngày, tui thường ra biển từ sáng sớm để chờ mua cá nóc ngay tại bến”. Chúng tôi thấy tại bến cá này có rất đông người chờ mua cá nóc. Có khi nhu cầu tăng cao mà cá về ít nên các chủ ghe không có đủ cá để bán. Hơn nữa, ngay cả chủ ghe và những người đi bạn cũng thường để dành phần cá nóc, được xem là loại cá ngon nhất trong mẻ lưới để mang về ăn mà không bán.

Biết cá nóc độc, vẫn ăn

Chị Lượng cho biết: Nhiều loại cá nóc có độc, nhưng cá nóc giấy là loại ăn được. Cá nóc giấy có mình suôn, con nhỏ, da trắng, bụng không to. Nhưng loại này cũng có con chứa độc tố. Nếu khi lột da cá, bàn tay cảm giác tê tê thì đó là con cá có độc. Còn theo chị Mỹ, cũng bán cá tại chợ Nam Ô thì: “Cũng là cá nóc giấy nhưng loại sờ tay dưới bụng thấy nhám, đuôi vàng thì ăn được, còn con cá có bụng trơn hoặc đuôi đen thì ăn chết liền. Dân biển ai mà không biết”. Có người còn cho biết, nếu sau khi lột da, thịt cá nóc có màu tim tím thì cũng là loại chứa độc, không ăn được. Người dân Nam Ô còn tự tin khi cho rằng cá nóc được họ đánh bắt về dùng ngay trong ngày, còn tươi nên không thể nào có độc.

Chính vì vậy, dù đã được cảnh báo, nhiều người dân nơi đây vẫn dùng cá nóc làm thực phẩm hằng ngày. Thế nhưng, tại đây đã từng xảy ra không ít vụ ngộ độc do ăn cá nóc. Đã hơn 10 năm nhưng chị Phùng Thị Bạch Tuyết ở tổ 43 Xuân Dương, Hòa Hiệp Nam vẫn còn bàng hoàng khi nhắc lại chuyện cũ. Lần đó, chị mua cá nóc khô về cho chồng mang theo khi đi rừng. Chị để lại một ít để dành ăn. Sau bữa ăn khoảng 15 phút, chị thấy lưỡi bị tê, 5 phút sau nữa thì đầu ngón tay tê cứng, rồi những ngón chân cũng không cử động được, toàn thân tê tím. Nhờ được cấp cứu kịp thời nên chị Tuyết đã thoát chết chỉ trong gang tấc.

Sau khi hồi phục, chị cũng được các bác sĩ ở Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, cùng năm đó ở Sơn Trà có vụ ngộ độc cá nóc làm 5 người trong một gia đình thiệt mạng. Nghe vậy, chị mới thấy mình may mắn. Bây giờ, mỗi lần nhìn thấy cá nóc là chị rùng mình. Chị không dám ăn cá nóc, đồng thời thường khuyên người thân không nên ăn loại cá này nữa. Trước chị  Tuyết, ở Nam Ô 1 có một trường hợp là chị Bông ở gần chợ Nam Ô cũ, cũng do ăn cá nóc mà chết, để lại 2 đứa con nhỏ.

Biết cá nóc có độc nhưng nhiều người ở Nam Ô vẫn ăn, vì họ tin vào khả năng phân biệt được đâu là con cá có độc và đâu là con không có độc. Thậm chí, có người cho rằng chỉ cần ngâm vào nước muối thì những độc tố trong cá sẽ không còn. Những cách phân biệt này hết sức cảm tính.

Theo Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội): Cá nóc là cá độc. Trong cá có chứa một loại chất độc tetrodotoxin có độc tính với hệ thần kinh, tim mạch. Đây là một trong các chất có độc tính mạnh nhất được con người biết đến, độc gấp 275 lần so với xyanua và gấp 50 lần so với mã tiền. Độc tố này không bị phân hủy ở nhiệt độ cao, do đó mặc dù cá nóc được nấu chín kỹ nhưng độc tố vẫn không thay đổi. Thịt cá để lâu (ví dụ cá nóc khô) hoặc thậm chí làm nước mắm cá nóc vẫn chứa chất độc và có thể gây ngộ độc.
        
Bài và ảnh: Nguyễn Phượng

;
.
.
.
.
.