Kinh tế

Sức mạnh từ sự đồng thuận

09:25, 11/08/2010 (GMT+7)

Là quận trung tâm của thành phố Đà Nẵng, trong 5 năm qua, quận Hải Châu có nhiều dự án đầu tư phát triển đô thị từ hạ tầng giao thông đến công trình thương mại-dịch vụ và các khu đô thị mới. Bộ mặt quận Hải Châu từng ngày thể hiện rõ nét đô thị văn minh, hiện đại.

Đại lộ Nguyễn Văn Linh nối dài đang được hoàn thiện là niềm tự hào của người dân Hải Châu. Ảnh: Quốc Tín

Ông Kiều Văn Toàn, Phó Bí thư Quận ủy Hải Châu cho biết: “Thành công lớn mà quận Hải Châu gặt hái trong 5 năm qua về công tác đầu tư phát triển đô thị là nhận được sự đồng thuận của người dân”. Ở những nơi đất rộng, người thưa, đụng đến giải tỏa đền bù đã khó, còn ở Hải Châu đất hẹp, người đông nên càng khó hơn. Do vậy, công tác giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư mà quận Hải Châu thực hiện ở bất kỳ dự án nào cũng giống như người đi gỡ từng dăm xương cá vụn, “chế biến” thành “tô cháo cá đặc sản” mà không để lại một chút lợn cợn nào. Từ đó, đô thị quận Hải Châu đi lên bằng “ý Đảng, lòng dân” để thực sự vươn cao với tầm vóc hiện đại.

Dự án đầu tư xây dựng mới đường Nguyễn Văn Linh nối dài được quận Hải Châu xác định không bố trí tái định cư đối với các hộ giải tỏa tại địa bàn quận khác. Trước khi vận động giải tỏa, UBND quận cũng khảo sát lại quỹ đất TĐC ngay trên địa bàn để tính đến việc một hộ hiện đang kinh doanh ngay tại mặt tiền, sau khi giải tỏa về một tuyến đường khác, vẫn có đủ những thuận lợi để tiếp tục công việc của họ. “Để mở tuyến, tại địa bàn quận Hải Châu có 337 hộ nằm trong diện giải tỏa 100%.

Không ít hộ đang sống yên ổn, thậm chí sống tốt với lợi nhuận thu được từ việc cho thuê mặt bằng, kinh doanh, dịch vụ từ chính căn hộ của mình, nhất là những hộ tận dụng lợi thế nhà mặt tiền đường Phan Châu Trinh, Lê Đình Dương… là một khu vực được xếp vào loại khá phồn thịnh của Đà Nẵng. Và ngay những hộ sống ở các đường, hẻm khác như Lê Đại Hành thì bài toán đặt ra là dù giá trị đất ở hiện tại của người dân có mức thấp, song các hộ dân đã sống ổn định tại đó nên từ việc đền bù đến bố trí TĐC không được làm cho hộ dân bị thiệt thòi, cuộc sống bị xáo trộn”, ông Toàn bộc bạch. 

Đối với địa bàn quận Hải Châu thì “tấc đất, tấc vàng” nhưng người dân vẫn sẵn sàng hưởng ứng chủ trương phát triển đô thị theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Trong 5 năm qua, nhiều dự án triển khai trên địa bàn quận thực hiện theo phương thức này và nhân dân đã đóng góp giá trị trên 100 tỷ đồng từ việc không nhận tiền đền bù về nhà đất, vật kiến trúc... như tại các dự án đường Nguyễn Thiện Thuật, Bắc Đẩu, Lê Đình Lý nối dài, Thanh Hải, Thanh Sơn...

Đối với chủ trương mở rộng đô thị quận Hải Châu về phía Nam đang được thể hiện rõ nhất với việc hình thành các khu dân cư mới tạo nên sự lan tỏa đến phát triển quận Cẩm Lệ. Từ một vùng nông thôn, người dân phường Hòa Cường Bắc, Hòa Cường Nam đã thực sự làm dân thị thành, đổi thay từ nếp ăn, chốn ở, kéo theo sự chuyển dịch kinh tế theo hướng phát triển thương mại-dịch vụ...

Giải tỏa đền bù thực hiện thành công đã để lại cho Hải Châu những tuyến đường mới thênh thang, những khu phố mới khang trang, bề thế đã thỏa mãn được lòng dân. Đặc biệt, Hải Châu đã đẩy lùi những khu phố nghèo, những khu nhà ổ chuột, thay vào đó là những trung tâm thương mại sầm uất, những cao ốc như Trung tâm Thương mại Vĩnh Trung, Đà Nẵng Center…

Trong vòng 5 năm trở lại, quận Hải Châu đã triển khai 30 dự án đầu tư phát triển đô thị có liên quan đến giải phóng mặt bằng. Theo đó, đã có trên 10.000 hộ dân nội thành phải di dời giải tỏa, tái định cư. Một số lượng di dời dân quy mô lớn nhưng duy chỉ có 3 trường hợp phải tiến hành cưỡng chế tháo gỡ, giải phóng mặt bằng là minh chứng cho tiếng nói đồng thuận từ người dân. Sự đồng thuận của người dân khi bàn giao mặt bằng làm nên kỳ tích của người Đà Nẵng trong thời kỳ đổi mới, xây dựng phát triển quê hương, thực hiện thắng lợi công cuộc đô thị hóa rộng lớn.

NAM PHƯƠNG

.