Từ đầu tháng 7, thị trường cát vật liệu xây dựng tại thành phố trở nên khan hiếm, giá tăng vọt từ 25-30 nghìn đồng/m3. Nhiều chủ công trình xây dựng dân dụng lo lắng vì giá cát tăng và tiến độ thi công chậm lại. Đây là vấn đề chưa có tiền lệ, bởi Đà Nẵng vốn được đánh giá là địa phương có nguồn tài nguyên vật liệu xây dựng cát, sỏi dồi dào.
Nguồn cát xây dựng cung cấp cho thị trường tại các bến cát ở khu vực Túy Loan đã hết. |
Trong vai người đi mua cát xây dựng, chúng tôi đã tìm đến các bến cát ven sông Hàn như khu vực phía đông đầu cầu Trần Thị Lý, phía tây đầu cầu Tuyên Sơn đều nhận được cái lắc đầu của các chủ đề-pô (bến cát). Qua dò hỏi, các chủ bến cát khu vực Túy Loan cũng đều cho biết hết cát và hiện các chủ bãi chỉ cung cấp cho các đơn vị xây dựng công trình lớn, có hợp đồng dài hạn và những khách hàng truyền thống. Ngược vào khu vực Hòa Phước - nơi vốn tập kết nguồn cát được khai thác từ Quảng Nam - cũng bến bãi trống vắng, ghe chở cát cập bờ, dập dềnh theo con nước.
Trên bờ, băng chuyền, cẩu múc nằm trơ giữa nắng hè. Anh S. quản lý bến cát đầu cầu Quá Giáng cho biết, nguồn cát xây dựng đã giảm dần cách nay vài tháng. Đến đầu tháng 7, giá cát xuất bán tại bến đã tăng gấp đôi, tức từ 30-40 nghìn đồng/m3 lên 60-70 nghìn đồng/m3. Giá bán tại khu vực ven sông Hàn hay vận chuyển vào nội thành Đà Nẵng tăng lên 80-90 nghìn đồng/m3.
Hiện nay, nhu cầu cát xây dựng ở thành phố Đà Nẵng ước mỗi ngày tiêu thụ trên 7.000m3. Theo tiết lộ của một đơn vị thi công xây lắp tại Đà Nẵng, các công trình do công ty này thi công đang gặp phải khó khăn do thiếu cát, công trình đứng trước nguy cơ bị chậm tiến độ. Nguồn tin từ UBND huyện Hòa Vang cho hay, dù là địa phương có nhiều mỏ cát nhưng tình trạng thiếu cát xây dựng trong thời gian gần đây là có thật.
Đã có nhiều luồng thông tin xác định nguyên nhân thiếu cát xây dựng tại Đà Nẵng. Phần lớn các chủ bến cát xây dựng cho rằng là do nguồn cung cát xây dựng được khai thác tại tỉnh Quảng Nam bị cắt đứt. Thông tin trong giới kinh doanh cát xây dựng cho hay UBND huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) - khu vực được xem là nơi cung ứng cát chủ yếu cho thị trường Đà Nẵng - đang trình tỉnh Quảng Nam xem xét cho lập một đội quản lý việc khai thác cát. Dù chưa có văn bản chính thức của chính quyền huyện Điện Bàn và tỉnh Quảng Nam nhưng trên thực tế, mọi ghe thuyền vận chuyển cát vốn tấp nập trên sông Vĩnh Điện hầu như bị cắt đứt.
Ở một chiều thông tin khác lý giải rằng, do có sự quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác cát của thành phố Đà Nẵng và huyện Hòa Vang nên việc khai thác cát xây dựng tại địa phương bị hạn chế. Tuy nhiên, tăng cường quản lý để chống khai thác trái phép và bảo vệ cát triền, lòng sông không đồng nghĩa ngăn cấm. Thực tế tại Đà Nẵng, khối lượng cát xây dựng khai thác mỗi năm ở các dòng sông trên địa bàn thành phố được cấp phép khai thác hơn 300 nghìn m3.
Tuy nhiên, lý giải sự thiếu hụt nguồn cát xây dựng hiện nay từ phía các chủ ghe khai thác cát là do biến đổi khí hậu có thể hợp lý hơn. Do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài dẫn đến cạn kiệt các dòng sông tại Quảng Nam và Đà Nẵng nên các ghe thuyền khai thác cát không đến được bến bãi khai thác. Nguyên nhân là phía thượng nguồn đã chặn dòng làm thủy điện, mùa hè thì sông trơ đáy, ghe thuyền không lên được phía thượng nguồn để khai thác. Ở phía hạ lưu sông Yên, sông Túy Loan, lòng sông lấp đầy bùn đất. Trước đây chưa làm thủy điện, mỗi mùa lụt, lượng cát từ thượng nguồn đổ về đồng bằng, bồi lắng thành những bãi cát tự nhiên.
Dù nguyên nhân gì thì tình trạng thiếu cát xây dựng trên địa bàn thành phố là có thật. Giá cát đã tăng 50% so với những tháng đầu năm. Do vậy, thành phố cần có giải pháp tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của thị trường vừa kiềm chế tăng giá, vừa bảo đảm tiến độ thi công các công trình xây dựng.
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG