.

Chuyển biến mạnh mẽ của ngành Công thương

.
Giai đoạn 2006-2010, tình hình sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của toàn ngành như bị thiệt hại nặng do bão Xangsane năm 2006, khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm giá cả vật tư, nguyên nhiên liệu và các yếu tố đầu vào khác của sản xuất công nghiệp tăng cao, lãi suất vay vốn tăng, sức mua của thị trường giảm mạnh… Nhưng, nhờ sự nỗ lực và quyết tâm, ngành Công thương thành phố đã cùng với doanh nghiệp vươn lên góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Mô tả ảnh.
Máy dệt vải khổ rộng của Công ty CP Dệt Hòa Khánh.
 
Giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) toàn thành phố (theo giá cố định) đến năm 2010 dự kiến đạt 12.940 tỷ đồng (giá trị SXCN cả giai đoạn 2006-2010 đạt 52.651 tỷ đồng), tăng trưởng bình quân 10%/năm. Tính đến tháng 12-2009 có trên 750 doanh nghiệp, gồm 22 DN Trung ương, 3 DNNN địa phương, 25 HTX, 176 DNTN, 478 công ty TNHH - công ty CP và 43 DN có vốn đầu tư nước ngoài; có 3.872 hộ sản xuất ngành công nghiệp. Vị trí chủ đạo của ngành công nghiệp trong cơ cấu GDP của thành phố đã được thay thế bởi ngành dịch vụ, theo đúng định hướng phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
 
Tỷ trọng GDP công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu kinh tế thành phố đã giảm từ 50,19% năm 2005 xuống còn 43,76% năm 2009, trong khi đó, các ngành dịch vụ tăng từ 44,68% lên 50,09%. Công nghiệp Nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn mặc dù đã giảm đáng kể so với năm 2005 do quá trình sắp xếp, cổ phần hóa. Tỷ trọng công nghiệp ngoài Nhà nước tăng, từ 17,7% năm 2005 lên 34,9% năm 2010; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng chậm, từ 17,6% năm 2005 lên 18,9% năm 2010. Công nghiệp chế biến tiếp tục giữ vai trò chủ đạo mặc dù tỷ trọng có giảm.
 
Tương ứng với sự chuyển dịch cơ cấu tỷ trọng các ngành công nghiệp, những ngành có tỷ trọng tăng nhanh đồng thời có tốc độ tăng trưởng bình quân về  giá trị SXCN giai đoạn 2006-2010 khá cao như ngành sản xuất trang phục (20,3%/năm), sản xuất vật liệu phi kim loại (18,8%/năm), sản xuất kim loại (19,4%/năm). Sản phẩm công nghiệp ngày càng phong phú, đa dạng. Bước đầu đã hình thành một số sản phẩm chủ lực có quy mô sản xuất lớn và có nhiều đóng góp cho tăng trưởng chung của ngành công nghiệp thành phố như thủy sản đông lạnh, quần áo may sẵn, săm lốp ô-tô, xi-măng, thép, cấu kiện kim loại, bia…
 
Một số doanh nghiệp lớn đã đầu tư đáng kể cho công tác thị trường, tạo dựng được thương hiệu riêng như Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC), Công ty CP Dệt may 29-3 (Hachiba), Công ty CP Dược Đà Nẵng (Danapha)… Việc đầu tư đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ ở các doanh nghiệp Nhà nước đã có chuyển biến rõ nét, nhất là các ngành chế biến thủy sản xuất khẩu, dệt, may, giày, kéo sợi, sản xuất săm lốp, sản xuất kim loại, kết cấu thép, vật liệu xây dựng… Kim ngạch xuất khẩu của thành phố đến năm 2010 dự kiến đạt trên 1,1 tỷ USD, tăng trưởng bình quân 18,2%/năm. Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố có sự thay đổi phù hợp với định hướng cơ cấu kinh tế của thành phố trong giai đoạn sau 2010 là dịch vụ- công nghiệp - nông nghiệp.

Tuy nhiên trong tương lai gần, ngành công nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, nhất là trong các lĩnh vực tạo việc làm mới. Sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp, nhất là các ngành kinh tế mũi nhọn, ngành truyền thống, góp phần quan trọng để thành phố thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH đất nước theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố trung tâm và động lực phát triển của miền Trung và cả nước.

Bài và ảnh: Đức Thịnh
;
.
.
.
.
.