.

Vươn ra biển lớn

.
Cách đây gần 10 năm, Đà Nẵng đã tập trung đầu tư khai thác tiềm năng biển trên cả ba lĩnh vực: vận tải, khai thác hải sản, du lịch và đã gặt hái nhiều thành tựu quan trọng. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến một lĩnh vực thuộc kinh tế biển, đó là khai thác hải sản.
 
Mô tả ảnh.
Niềm vui được mùa.
Đây là hoạt động được coi là kinh tế mũi nhọn của địa phương, không chỉ làm ra của cải, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, xuất khẩu mà còn là cơ hội việc làm, thu nhập cao cho hàng nghìn hộ cư dân ven biển, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngay từ đầu những năm 2000, thành phố đã đặc biệt chú trọng đầu tư cho ngành thủy sản: xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá theo hướng hiện đại, đồng bộ. Đầu tiên là xây dựng âu thuyền, nơi tránh bão cho khoảng 1.500 tàu cá lớn, nhỏ với tổng vốn đầu tư gần 80 tỷ đồng, với 58 ha mặt nước, âu thuyền Thọ Quang là 1 trong 6 âu thuyền lớn nhất nước.
 
Tiếp đến là sự ra đời Khu Công nghiệp và Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng với hàng chục nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu quy mô lớn. Cảng cá mới, tổng vốn đầu tư 44 tỷ đồng được xây dựng ở âu thuyền Thọ Quang. Mới đây nhất, Dự án Chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang khu vực duyên hải Đà Nẵng, tổng vốn đầu tư 64,56 tỷ đồng đưa vào khai thác sử dụng. Cùng theo đó, các cơ sở sản xuất đá lạnh, sửa chữa, đóng mới tàu thuyền cũng được xây dựng, tạo thành hệ thống liên hoàn của ngành thủy sản từ đóng sửa tàu thuyền, đánh bắt, tiêu thụ, chế biến đến dịch vụ hậu cần nghề cá...
 
Từ năm 2002 đến nay, gần 200 tỷ đồng đã đầu tư cho lĩnh vực này và Đà Nẵng là một trong các địa phương có hạ tầng nghề cá hiện đại nhất trong 29 tỉnh, thành có tiềm năng về biển. Từ đó, tàu cá các địa phương trong khu vực thường xuyên chọn Đà Nẵng là bến đậu, bán hải sản và tiếp nhận hàng hóa ra khơi, làm cho hoạt động của cảng cá quanh năm sôi động. Theo số liệu từ Cảng cá Thọ Quang, trong số 80-100 tấn hải sản qua cảng mỗi ngày đêm, hơn một nửa được chuyển lên từ tàu các tỉnh nhập về bằng xe đông lạnh. Nhờ vậy, mặc dù sản lượng do ngư dân Đà Nẵng khai thác chưa nhiều, nhưng hải sản luôn dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại chỗ và chế biến xuất khẩu.

Nâng cao năng lực đánh bắt của tàu thuyền cũng là lĩnh vực được thành phố đặc biệt quan tâm. Toàn thành phố có 1.763 tàu đánh cá, tổng công suất 73.312 CV, trong đó hơn 160 chiếc đánh bắt xa bờ; hình thành 88 tổ đội đánh bắt trên biển với 572 tàu. Từ 2007 đến nay, đã có 89 tàu và 8 đơn vị Bộ đội Biên phòng được hỗ trợ máy vô tuyến liên lạc tầm xa ICOM. Hai năm 2008-2009, 24 tàu bị thiệt hại trong bão Chanchu đã được hỗ trợ lãi suất vay với số tiền 443 triệu đồng.
 
Thực hiện Quyết định 289 của Chính phủ, hầu như tất cả tàu thuyền trên địa bàn thành phố đều được hỗ trợ dầu với tổng số tiền lên đến 39,13 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí 500 triệu đồng của thành phố, 736 ngư dân đã được đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng. Cùng theo đó, hàng chục tàu đã được hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề đánh bắt. Trong đó, đáng kể nhất là quận Sơn Trà đã trích ngân sách 489 triệu đồng hỗ trợ cho 98 tàu công suất dưới 20CV chuyển đổi từ các nghề bị cấm sang nghề mới hiệu quả. Hoặc như các nghề lưới rê chim, câu vàng, lưới rê hỗn hợp cũng được nhiều tàu triển khai với kinh phí hỗ trợ hàng trăm triệu đồng.

9 tháng đầu năm, toàn thành phố đã đánh bắt trên 30 nghìn tấn hải sản, tăng 6% so cùng kỳ năm ngoái. Nhiều tàu triển khai nghề mới, tích cực bám biển đã đạt được kết quả cao. Điển hình như tàu ĐNa 90307 của ông Nguyễn Phú Hùng ở tổ 27 Thanh Khê Đông (Thanh Khê), với 8 ngư dân, chuyến biển nửa tháng đánh bắt được 14-16 tấn hải sản, trị giá hơn 200 triệu đồng, trừ hết các khoản chi phí, lãi ròng 70-80 triệu đồng. Hoặc như tàu ĐNa 90351 của ông Lê Văn Chiến, tàu ĐNa 90232 của ông Lê Dũng đều ở phường Xuân Hà (Thanh Khê), năng suất đạt kỷ lục 17 tấn/chuyến.
 
Không ít hộ thu nhập từ biển có cuộc sống khá giả, xây nhà tầng mặt phố, như hộ ông Đặng Văn Mầy ở phường An Hải Tây, hộ ông Phạm Phương ở phường An Hải Bắc, hộ ông Võ Trung ở phường Thọ Quang (Sơn Trà)... Mùa cá cơm, mùa ruốc, các ghe thuyền công suất nhỏ cũng có thu nhập khá, khi chỉ một ngày đêm bám biển đã đưa về 2-3 tấn hải sản, trị giá 15-20 triệu đồng, lãi ròng trên chục triệu đồng. Dù vất vả, có thể rủi ro, song ngư dân vẫn tích cực bám biển, thậm chí sau mỗi trận bão gây thiệt hại cho tàu thuyền, nhưng chỉ ít ngày tàu thuyền lại tiếp tục ra khơi.

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu  
;
.
.
.
.
.